Xử lý nghiêm vi phạm trong đấu thầu

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Vậy cần xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra lãng phí.

Thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng, tránh dàn trải, lãng phí (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc Nam). Ảnh: M.Hoa.

Thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng, tránh dàn trải, lãng phí (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc Nam). Ảnh: M.Hoa.

Nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong năm 2023 của Chính phủ cho thấy: Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng hết để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (23,4 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (14,5 nghìn tỷ đồng).

Trong năm 2023, cả nước đã mua mới 380 chiếc xe ô tô (nguyên giá 388,43 tỷ đồng), 1.146 phương tiện vận tải khác (nguyên giá 32,96 tỷ đồng) và 50.704 máy móc thiết bị (nguyên giá 3.073,25 tỷ đồng). Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 183.044 cơ sở (đạt 69,8%). Tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở; trong đó năm 2023 Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, cả nước có 74.890 căn, nhà công vụ với tổng diện tích là 2.700.289m2 sàn nhà. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ rõ, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường vẫn diễn ra. Vẫn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Ví như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: 6%, Thanh tra Chính phủ: 6,7%, Đại học Quốc gia Hà Nội: 7,4%, Bộ Khoa học và Công nghệ: 8%...

Việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023. Đơn cử, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn sự nghiệp; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đạt 6,53%.

Cùng với đó, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước chậm. Còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí. Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Đặc biệt, còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu. Mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí...

Tập trung thanh tra, kiểm tra đất đai, đầu tư công

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ đề ra giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành.

“Trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí”-Chính phủ nêu rõ.

Trong khi đó, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về THTK, CLP.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, CTMTQG, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư. Giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Theo ông Lê Như Tiến (ĐBQH khóa XIII), báo cáo cần chỉ rõ “địa chỉ” bộ, ngành, địa phương để xảy ra lãng phí, thất thoát. Vì từ lãng phí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. “Nếu chỉ nêu “hiện tượng” mà không chỉ rõ “địa chỉ” thì khó có thể khắc phục sửa chữa. Quan trọng từ “địa chỉ” đó có thể xem xét trách nhiệm, và từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, cũng như “bịt các lỗ hổng” - ông Tiến nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả THTK, CLP trong năm 2023 sẽ chính thức được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-trong-dau-thau-10280189.html