Xử lý nghiêm việc xây dựng không phép, sai phép

Tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang diễn biến ngày càng phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm. Những vướng mắc về chế tài xử lý vẫn là nguyên nhân được cơ quan chức năng viện dẫn.

Vi phạm tràn lan

Theo đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, quận Thủ Đức là nơi gia tăng các trường hợp xây dựng sai phép với 112 trường hợp. Từ năm 2014, tại khu phố 8 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã tồn tại bốn căn nhà xây dựng không phép; trong đó có ba căn vẫn tồn tại đến cuối năm 2017, năm căn nhà xây dựng không phép tại đường 48 tồn tại từ năm 2012 (đến năm 2017 mới bị tháo dỡ), bốn căn nhà xây dựng không phép tại đường 46 tồn tại từ năm 2012 (cuối năm 2016 mới có quyết định cưỡng chế). Có trường hợp xây nhà xưởng với diện tích lên đến 500 m2 không phép tại đường 48 nhưng mới đình chỉ thi công xây dựng.

Tương tự, mới đây UBND phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) phải ra thông báo cảnh báo người dân việc phân lô bán nền đất hẻm 38, đường Nguyễn Sơn. Theo đó, khu đất rộng hơn 4.000 m2 là đất nông nghiệp, thuộc quy hoạch đất công viên cây xanh nhưng lại được phân lô rao bán công khai.

Tình hình vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn ra tại quận 12. Nhiều người dân sống tại hẻm 232 (đường HT13, khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12) phản ánh, tại khu vực này có đối tượng ngang nhiên tập kết phương tiện, vật liệu và tiến hành san ủi đất, khoan giếng, đổ bê-tông kiên cố, xây hàng rào, lưới thép B40 cao 2 m, dựng các cột thép lớn chuẩn bị phân lô trên phần đất thuộc đường dự phòng nhưng cơ quan chức năng chậm xử lý. Đại diện UBND phường Hiệp Thành thừa nhận, công trình nêu trên được một cá nhân mua đất nông nghiệp bằng giấy viết tay, sau đó phân lô xây dựng. Hiện, chính quyền địa phương đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo, năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 1.082 trường hợp xây dựng sai phép, giảm 52 trường hợp so với năm 2017. Số trường hợp sai phép tập trung nhiều ở các quận đang trong quá trình đô thị hóa, như các quận: 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân. Còn số trường hợp xây dựng không phép là 1.008, giảm 650 trường hợp so với năm 2017. Số trường hợp không phép tập trung nhiều ở các quận: 9, Thủ Đức, 12, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Củ Chi.

Tháo gỡ vướng mắc về quy định

Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn cho rằng, thời gian qua việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng gặp một số vướng mắc, khó khăn; đặc biệt là việc xử lý vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa như: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn... ngày càng phức tạp. Các địa phương thực hiện xử lý vi phạm xây dựng mỗi nơi một kiểu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do luật chồng chéo. Cụ thể, tại điểm k, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định: đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt sẽ miễn phép xây dựng nếu không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích, văn hóa. Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng trái phép gặp nhiều bất cập, khó khăn dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ... tăng cao.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, vướng mắc hiện tại của huyện này là việc cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực nông thôn rất bất cập. Theo Điều 93 Luật Xây dựng thì có thể căn cứ vào quy hoạch điểm dân cư nông thôn để quản lý trật tự xây dựng. Nhưng Nghị định 139 thì không quy định xử lý, như vậy dù huyện cấp Giấy phép xây dựng nhưng trong trường hợp người dân xây dựng sai phép thì cũng không biết phải căn cứ vào đâu để xử phạt. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có ba điểm được quy hoạch điểm nông thôn, còn đến 36 điểm đang trình quy hoạch, để triển khai thực hiện.

Nhiều địa phương khác lại phản ánh gặp khó khăn trong việc xử lý các vi phạm, đặc biệt liên quan đến quy hoạch phân khu. Tại huyện Cần Giờ, phần lớn đơn vị hành chính chỉ có quy hoạch phân khu 1/5.000, rất hiếm có quy hoạch phân khu 1/2.000. Do đó, địa phương này rất cần hướng dẫn từ Sở Xây dựng thành phố.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39346002-xu-ly-nghiem-viec-xay-dung-khong-phep-sai-phep.html