Xử lý nhà 8B Lê Trực: Nhận định bất ngờ

Cốt tòa nhà 8B Lê Trực nếu xây dựng đúng như trong thiết kế được cấp thì việc giật cấp sẽ thực hiện được.

Sau khi Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc cung cấp hồ sơ thiết kế, phá dỡ giai đoạn 2 (giật cấp) tòa nhà 8B Lê Trực (P. Điện Biên, Q. Ba Đình), UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng kiểm tra, xem xét đề xuất của đơn vị phá dỡ và báo cáo lại theo quy định.

Theo Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc, việc giật cấp tòa nhà 8B Lê Trực gặp khó khăn, nhiều khả năng phải dỡ bỏ toàn bộ tòa nhà vì ảnh hưởng đến kết cấu nên sẽ gây lãng phí. Từ đó, đơn vị đề xuất UBND TP. Hà Nội cho giữ nguyên hiện trạng, không giật cấp tòa nhà rồi nộp phạt theo quy định.

Ngày 2/8/2018, trao đổi với Đất Việt, nhiều kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng cho rằng, việc giật cấp tòa nhà hoàn toàn có thể thực hiện được nếu phần kết cấu được chủ đầu tư xây dựng đúng như trong hồ sơ thiết kế đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

"Nếu như thiết kế cho tòa nhà phục vụ cho việc giật cấp thì việc xây dựng thành 1 khối thống nhất như hiện lại sẽ lại càng nguy hiểm hơn. Sau khi đưa vào sử dụng mà phần kết cấu không đảm bảo thì có thể xảy ra nhiều hiểm họa khó lường" - Kỹ sư Nguyễn Mạnh Ninh - Trưởng phòng thiết kế một công ty tư vấn xây dựng ở Hà Nội cho biết.

Tòa nhà 8B Lê Trực không khó giật cấp nếu chủ đầu tư đảm bảo kết cấu như trong giấy phép.

Không có trong tay bản thiết kế chi tiết tòa nhà 8B Lê Trực nhưng ông Ninh nhận định, nếu chủ đầu tư đã dự định không giật cấp tòa nhà ngay từ đầu thì chắc chắn tòa nhà phải được bổ sung thêm dầm, sàn cột... để phù hợp với việc không giật cấp.

"Nếu vậy, tòa nhà sẽ xây sai thiết kế ban đầu mà được cơ quan chức năng phê duyệt" - ông Ninh nhận xét.

TS Vũ Mạnh Thủy - chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế xây dựng cũng cho rằng, sai phạm không giật cấp tòa nhà 8B Lê Trực là phần xây thêm mà chủ đầu tư đưa vào so với thiết kế ban đầu.

Ông Thủy cho hay, nếu là phần xây thêm thì chỉ cần cắt bỏ đi, sẽ không ảnh hưởng gì tới kết cấu tòa nhà.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự nghi ngại: "Nếu kết cấu bị thay đổi thì lúc đó mới chưa thể khẳng định được việc giật cấp có làm được hay không. Còn nếu không thì sẽ làm được, chỉ còn chờ vào sự quyết tâm sửa sai của chủ đầu tư và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng".

Trước đó, PGS. TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc đơn vị xin không tháo dỡ, giật cấp tòa nhà 8B Lê Trực là đang cố tình chây ỳ, tìm mọi cách không thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Theo ông Thám, việc phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực cùng lắm chỉ mất hơn 1 năm, nhưng để kéo dài đến 3 năm mà vẫn chưa xong cũng có một phần trách nhiệm đến từ sự quản lý không nghiêm minh của cơ quan chức năng.

"Chỉ khi nào anh xây không giống như trong thiết kế mà cơ quan chức năng đã phê duyệt trong hồ sơ dự án thì khi đó mới tính đến chuyện kết cấu bị ảnh hưởng" - ông Thám nói.

Liên Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xu-ly-nha-8b-le-truc-nhan-dinh-bat-ngo-3363026/