Xử lý nhiều vướng mắc về hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo Thông tư 39

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiều nội dung liên quan đến thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC. Trong đó, các vấn đề đã được hướng dẫn cụ thể như: Thủ tục thông báo hợp đồng gia công lại; báo cáo quyết toán nhập-xuất-tồn; kê khai thuế đối với phế liệu, phế phẩm; xử lý chênh lệch khối lượng…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Hà Nội). Ảnh: N.Linh

Chẳng hạn, đối với việc chênh lệch khối lượng giữa cân nặng khai trên tờ khai hải quan so với cân nặng trên phiếu cân của cảng hàng không khi XK hàng hóa, Tổng cục Hải quan cho biết theo quy định tại Khoản 7 Điều 52a Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát sẽ được đưa vào kho hàng không.

Trường hợp có chênh lệch về trọng lượng, DN kinh doanh kho hàng cập nhật thông tin trọng lượng thực tế vào hệ thống và gửi đến cho cơ quan Hải quan, hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải để XK theo quy định, trừ trường hợp lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Hải quan dừng hàng qua khu vực giám sát theo quy định. Người khai hải quan không phải khai bổ sung với cơ quan Hải quan đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng nhưng không ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa XK, chính sách thuế và chính sách mặt hàng.

Liên quan đến thời điểm cung cấp thông tin định mức thực tế cho cơ quan Hải quan, theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 35 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BCT thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan Hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Thông tư. Riêng đối với sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (ví dụ gia công, sản xuất XK tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thức 3 mới phải nộp định mức thực tế).

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên khi kết thúc năm tài chính DN phải cung cấp thông tin về định mức thực tế của số lượng sản phẩm đã hoàn thành sản xuất tính đến ngày cuối cùng của năm tài chính, quy định này không phụ thuộc vào việc kết thúc đơn hàng.

Ví dụ, trong năm 2018, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có đơn hàng với đối tác Singapore sản xuất 5 triệu sản phẩm là áo sơ mi nam, ngày kết thúc năm tài chính đăng ký với cơ quan thuế nội địa là ngày 31/12/2018, kết thúc ngày 31/12/2018, Tập đoàn hoàn thành sản xuất của 4 triệu áp sơ mi. Vậy, khi nộp báo cáo quyết toán năm 2018, Tập đoàn sẽ thông báo định mức thực tế của 4 triệu áo sơ mi, số lượng áo sơ mi còn lại là 1 triệu sẽ đợi đến kỳ báo cáo quyết toán năm 2019 tiếp theo nếu đã hoàn thành sản xuất hết số lượng này vào năm 2019.

Ngoài những nội dung trên, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn DN và cục hải quan các tỉnh, thành phố nhiều nội dung khác liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng gia công, sản xuất XK.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xu-ly-nhieu-vuong-mac-ve-hang-gia-cong-san-xuat-xuat-khau-trong-thong-tu-39.aspx