Xử lý sai phạm liên quan đến 52 dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí

Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ…

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, chiều 15/11. Ảnh Như Ý

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, chiều 15/11. Ảnh Như Ý

Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá về sự lãng phí vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông gây bức xúc trong dư luận.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, dự thảo Nghị quyết chỉ nêu tổng thể kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế chủ yếu của 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát; không nêu chi tiết các tồn tại, hạn chế của từng ngành, lĩnh vực.

Nội dung từng ngành, lĩnh vực cụ thể khác, trong đó có lĩnh vực giáo dục đã được thể hiện trong Báo cáo số 330 và Báo cáo kết quả giám sát tại Bộ GD&ĐT, do đó, xin không bổ sung nội dung này.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc lại nhận định đánh giá giữa phần kết quả và tồn tại hạn chế đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo tính phù hợp, thống nhất; cân nhắc việc nhận định kết quả trong lĩnh vực này là thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021; đồng thời đề nghị bỏ nhận định: Cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2021, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian. Tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra…

“So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Giám sát tại một số địa phương cũng cho thấy một số địa phương có số lượng rất lớn đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án còn thực hiện nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ nhận định như đã nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Báo cáo các vi phạm, lãng phí từng bộ, ngành, địa phương

Theo dự thảo Nghị quyết vừa được thông qua, từ năm 2023 sẽ phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi…

Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hằng năm. Nghiên cứu lồng ghép một số nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào kế hoạch, nội dung các cuộc giám sát chuyên đề theo các kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xu-ly-sai-pham-lien-quan-den-52-du-an-dau-tu-cong-khong-hieu-qua-lang-phi-post1486607.tpo