Xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc: Phương án ra tòa khó khả thi?

Nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý. Mỗi phương án được đưa ra đều có những ưu điểm, hạn chế riêng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Q.H

Ra tòa có thực hiện được?

Chiều 10.8, tiếp tục chương trình làm việc phiên 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Liên quan đến điều 57, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, trước đây có 2 phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính. Tiếp đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Nêu ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng thông qua con đường tố tụng dân sự là phương án có ưu thế hơn so với các phương án khác, vì công khai, minh bạch, bảo đảm được quyền lợi của các bên. Tuy vậy, tính khả thi của phương án này là tương đối khó.

Ông Nguyễn Thái Học - Phó Ban Nội chính Trung ương phát biểu. Ảnh Q.H

“Phương án này sẽ khả thi nếu như cơ quan quản lý về kê khai tài sản có khả năng, có năng lực thực sự và có vị trí độc lập. Chứ hiện nay, cơ quan quản lý tài sản, thu nhập là bộ phận tổ chức, thanh tra, là cơ quan tham mưu trong một cơ quan thì anh có dám khẳng định kê khai của các đồng chí lãnh đạo giải trình không hợp lý không và yêu cầu ra tòa không?” - ông Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi và nhận định với vị thế cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay, khi luật này ban hành sẽ không khả thi.

“Tôi e rằng không có vụ nào đưa ra tòa để xem xét việc này. Đây là vấn đề thực tế, rất mong Ủy ban Thường vụ QH cần cân nhắc. Chúng ta ban hành thì tính khả thi của luật này như thế nào, mặc dù về mặt pháp lý rất tốt, rất ưu điểm, rất công khai, rất minh bạch nhưng có đi vào cuộc sống hay không?” – Phó Ban Nội chính Trung ương nêu ý kiến.

Xin ý kiến Bộ Chính trị

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Cho đến hôm nay vẫn còn 3-4 phương án. Phương án nào cũng có lý lẽ lập luận cả. Qua cả quá trình làm, rút lại 2 phương án: Phương án thứ nhất là giải quyết bằng tố tụng dân sự tại tòa. Coi tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được phải qua tòa án để tòa án phán quyết theo trình tự tố tụng dân sự, có tranh tụng, các bên, có luật sư, bên tài liệu, chứng cứ, trình bày, tòa phán quyết quyền sở hữu của người có tài sản hay của nhà nước.

Thứ 2 là phương án thu thuế. Coi như khoản thu nhập tăng thêm, một cách đáng kể, không chứng minh được bất hợp pháp thì phải coi như hợp pháp, phải đóng thuế. Mà khi có dấu hiệu hình sự phải xử lý hình sự. Đây là tinh thần Chính phủ trình ra từ đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh Q.H

“Các cơ quan hữu quan sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án xử lý như thế nào để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta.

Sau đó, chúng ta cũng phải tổ chức đại biểu QH chuyên trách và các cơ quan chuyên gia cho ý kiến trước khi trình ra UB Thường vụ QH tại phiên họp tháng 9, trước khi trình ra Quốc hội” – ông Uông Chu Lưu nói.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/xu-ly-tai-san-khong-giai-trinh-duoc-nguon-goc-phuong-an-ra-toa-kho-kha-thi-624428.ldo