Xử lý thế nào đối với hàng nghìn container phế liệu tồn tại cảng?

Phế liệu nhựa nhập khẩu về Cát Lái tăng lên 'chóng mặt' đã buộc doanh nghiệp kinh doanh cảng phải có thông báo ngưng tiếp nhận, đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan Hải quan xử lý, tránh tồn đọng lâu ngày tại cảng.

Từ 1/6/2018, cảng Cát Lái ngưng tiếp nhận phế liệu nhựa NK. Ảnh: T.H.

Nửa tháng tăng gần 2.000 teus

Số lượng container mặt hàng phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái đang gia tăng rất mạnh, mỗi tháng tăng đến vài ngàn container.

Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, thời điểm sau lễ 30/4 và 1/5, trong số hơn 8.000 teus tồn lâu ngày tại cảng Cát Lái có 5.234 teus là mặt hàng nhựa/giấy phế liệu có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng. Đến ngày 15/5, số lượng phế liệu nhựa, phế liệu giấy nhập khẩu về cảng Cát Lái đã lên 7.000 teus. Như vậy, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5, số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tăng gần 2.000 teus so với thời điểm 1/5. Thực tế này đang gây ùn tắc cục bộ tại cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu và các doanh nghiệp XNK tại cảng.

Lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã phải liên tiếp đưa ra các quy định nhằm siết chặt mặt hàng này về cảng. Mới đây nhất, ông Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ký công văn gửi các hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp XNK từ 1/6/2018 sẽ ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng: Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước. Theo đó, từ ngày 1/6/2018, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chỉ cho thực hiện dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Trường hợp không đủ chứng từ theo yêu cầu, hãng tàu và doanh nghiệp phối hợp với cảng để chuyển cảng dỡ hàng cho các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên có liên quan. Đặc biệt, từ 1/6/2018 đến 30/9/2018, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận toàn bộ lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại hai cảng này, mặt hàng giấy phế liệu vẫn thực hiện như quy định nêu trên. Sau ngày 30/9/2018, tùy theo tình thực tế tại cảng, Tân cảng Sài Gòn sẽ có giải pháp tiếp theo đối với với tiếp nhận hàng phế liệu nhựa và giấy tại 2 cảng này.

Hiện nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ngưng tiếp nhận các container nhựa/giấy phế liệu chuyển từ các cảng nội địa khác, kể cả các cảng thuộc hệ thống của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn về cảng đích là Tân cảng Cát Lái. Từ ngày 1/6/2018, doanh nghiệp nhận hàng trực tiếp tại cảng dỡ hàng hoặc làm thủ tục chuyển về các cơ sở khác của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để nhận hàng. Hiện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang tích cực làm việc với cơ quan Hải quan để phối hợp giải quyết và hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có nhu cầu chuyển cảng đích.

Tập trung giải pháp xử lý phế liệu

Trước đó, khi số lượng container phế liệu tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái ở mức trên 5.000 teus, để kiểm soát và hạn chế phế liệu nhập khẩu tồn lâu ngày tại cảng Cát Lái, ngày 23/4, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã yêu cầu hãng tàu khi vận chuyển phế liệu phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực và cam kết thời gian làm thủ tục nhận hàng cụ thể. Đối với các container phế liệu đang nằm tại khu vực Cái Mép có cảng đích là Cát Lái hoặc khu vực TP.HCM, khi khách hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ nhập khẩu và cam kết ngày lấy hàng cụ thể bằng văn bản, cảng mới tiến hành vận chuyển hàng về Cát Lái để doanh nghiệp nhận hàng.

Sau khi tạm ngưng nhận hàng, hiện nay, đối với các lô hàng tồn đọng tại cảng quá 30 ngày kể từ ngày container được hạ bãi tại cảng Cát Lái, nếu khách không làm thủ tục nhận hàng, cảng sẽ vận chuyển đến cảng Tân cảng Hiệp Phước để lưu giữ. Các chi phí liên quan đến việc vận chuyển sẽ do khách hàng chịu và thanh toán cho cảng khi làm thủ tục nhận hàng.

Ông Ngô Minh Thuấn cho biết, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã kiến nghị Cục Hải quan TP.HCM cho phép đơn vị vận chuyển các lô hàng nhập khẩu tồn lâu, trước mắt là hàng tồn trên 90 ngày; hàng nhựa/giấy phế liệu đã lưu bãi quá 30 ngày tại Cát Lái về các cơ sở khác như cảng Tân cảng Hiệp Phước, ICD Nhơn Trạch, ICD Long Bình, cảng TCTT (Cái Mép)... Nếu khách hàng được làm thủ tục thông quan và nhận hàng trực tiếp tại các khu vực này là tốt nhất, nếu không khi khách có nhu cầu nhận hàng, Tân cảng Sài Gòn sẽ thực hiện vận chuyển quay về cảng Cát Lái. Cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tìm kiếm khu đất lân cận cảng để lưu trữ các container tồn lâu ngày dưới sự giám sát của Hải quan khu vực I. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ chịu các chi phí thuê bãi và đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan Hải quan.

Về phía cơ quan Hải quan, bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, hiện đơn vị vẫn làm thủ tục bình thường cho các DN nhập khẩu phế liệu có giấy phép. Đối với lô hàng tồn tại cảng quá 30 ngày đến 90 ngày, đơn vị đang triển khai kế hoạch giám sát, kiểm soát hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, trong đó phối hợp với cảng kiểm soát chặt đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Đối với các container phế liệu không có người nhận đơn vị sẽ kiến nghị xem xét trách nhiệm của hãng tàu vận chuyển để buộc tái xuất các lô hàng này, tránh ảnh hưởng đến môi trường…

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xu-ly-the-nao-doi-voi-hang-nghin-container-phe-lieu-ton-tai-cang.aspx