Xử lý tình trạng úng ngập ở khu vực phía Tây Nam TP Hà Nội

Những năm gần đây, tình trạng ngập úng ít khi xảy ra ở địa bàn bốn quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng của Hà Nội, nhưng lại xuất hiện thường xuyên ở những khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, nhất là các khu đô thị ở khu vực phía Tây Nam thành phố, gây bức xúc cho người dân.

Ngập lụt bủa vây các khu đô thị mới

Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị ở khu vực phía tây Hà Nội diễn ra nhanh chóng, khiến cho bộ mặt đô thị biến đổi từng ngày. Nhiều khu đô thị có cảnh quan, kiến trúc đẹp, mang đến không gian sống văn minh, hiện đại cho người dân. Thế nhưng, sau những trận mưa lớn, cư dân ở đây phải chịu đựng tình trạng ngập lụt. Điển hình cho tình trạng này là các khu đô thị nằm hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Đại lộ Thăng Long… Mỗi khi mưa lớn, dân cư sống ở Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) lại khổ sở vì bị cô lập với các tuyến đường chung quanh, bởi nước ngập sâu các lối ra vào.

Khu vực nút giao Thiên đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long ngập sâu tới hơn nửa mét, khiến khu đô thị Geleximco (quận Hà Đông) thường xuyên bị cô lập, đặc biệt trong các ngày 17, 18 và 19-7 vừa qua. Các khu đô thị Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội (quận Hà Đông) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tại Khu đô thị Resco (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm), những ngày mưa vừa qua, người dân phải nhờ đến máy xúc, xe tải để di chuyển qua chỗ nước ngập sâu.

Ở khu vực trung tâm thành phố, có những trận mưa gây ngập úng khá sâu trên nhiều tuyến đường, nhưng chỉ ngớt mưa một đến hai giờ đồng hồ là nước rút. Thế nhưng tại các khu đô thị nêu trên, nước rút rất chậm, có nơi ngập tới hai, ba ngày. Điển hình là trận mưa lớn rạng sáng 25-5-2016 đã khiến Khu đô thị Dương Nội bị ngập sâu trong nước bảy, tám ngày; có những vị trí nước ngập sâu đến 1 m. Trong những ngày đó, Ban Quản lý khu chung cư HH2 Dương Nội phải bắc cầu tạm để người dân đi lại.

Theo Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng (Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội) Nguyễn Đức Nghĩa, tình trạng ngập chung quanh khu đô thị mới là do phát triển đô thị không đồng bộ, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bị phân tán, dàn trải. Các khu đô thị mới đều được xây dựng hạ tầng đồng bộ trong nội bộ khu, nhưng thoát nước vẫn theo nguyên tắc tự chảy theo độ dốc địa hình ra khu vực chung quanh, vốn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Úng ngập xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Thực tế, hệ thống thoát nước khu vực phía tây thành phố cơ bản dựa vào hệ thống kênh tiêu nông nghiệp, chảy ra sông Nhuệ, sông Đáy.

Hai bên đường Lê Trọng Tấn trước kia là đất ruộng. Từ ngày có khu dân cư ở hai bên đường, tuyến đường này không những bị ngập vì nước mà khu dân cư hai bên cũng chịu cảnh tương tự. Hay khu vực các xã Vân Canh, An Khánh, An Thượng, Đông La, La Phù (huyện Hoài Đức); phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và Dương Nội, Yên Nghĩa (quận Hà Đông) trước đây các kênh tiêu nhỏ chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ ngày có Đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn và đường Tố Hữu, cộng với hàng chục khu đô thị lớn được xây dựng thì hệ thống này không thể đáp ứng nổi.

Triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật quá chậm

Hiện nay, TP Hà Nội đang xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành từ mùa mưa năm 2018. Trạm bơm này sẽ giúp hạ mực nước sông Nhuệ, cải thiện tiêu nước cho toàn bộ khu vực các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Đức (trong đó có khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long). Thành phố cũng đang đôn đốc sớm hoàn thiện dự án tiền khả thi dự án thoát nước lưu vực Tả Nhuệ với các hạng mục chính như: Cải tạo sông Nhuệ, xây dựng các trạm bơm, kênh dẫn tại các tiểu lưu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Mễ Trì, Ba Xã… Như vậy là từ nay cho đến lúc các công trình nêu trên hoàn thành, việc thoát nước khu vực phía tây thành phố vẫn lệ thuộc vào… tự nhiên.

Bên cạnh việc triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật chậm, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập ở khu vực phía tây TP Hà Nội còn do công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng chưa chặt chẽ. PGS, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng cho rằng: Những khu đô thị mới phải có hệ thống tự thấm; đó là các thảm cỏ, hồ điều hòa trong khu và các bể dự trữ nước. Các khu nhà cao tầng và khu đô thị mới bắt buộc phải có hệ thống bể dự thấm, có thể thiết kế dưới các vườn hoa để vừa dự trữ nước tưới cây, vừa để cứu hỏa.

Theo PGS, TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường TP Hà Nội đã có các quy hoạch, trong đó có quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện quy hoạch là các dự án. Việc tuân thủ các quy hoạch này và triển khai các dự án ra sao thì cần phải tiến hành rà soát. Khu vực từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ (khu vực các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), phát triển đô thị rất nhanh chóng, chủ yếu là nhà cao tầng, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các hồ điều hòa phục vụ cho tiêu thoát nước trong khu vực mới đang rục rịch thực hiện. Chưa kể, thời gian qua, không ít hồ đã bị lấp để làm nhà, khiến nước không còn chỗ lưu trữ, gây úng ngập.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, quy hoạch đô thị chia theo địa bàn với tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai chắp vá dẫn đến việc không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân. Nền của các khu đô thị mỗi nơi một mức, nên nước sẽ chảy từ khu này sang khu kia. Quy luật thoát nước của TP Hà Nội dựa trên địa hình tự nhiên là từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, nhưng kịch bản để vận dụng dòng chảy tự nhiên một cách hiệu quả thì chưa có. TP Hà Nội cần phải có một chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Nếu không, các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài.

Trong Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng nêu trên đã được đề ra kế hoạch khắc phục; vấn đề chỉ còn nằm ở tiến độ triển khai thực hiện. Cụ thể như: Phân vùng tiêu thoát nước, xác định các lưu vực, tiểu lưu vực thoát nước mưa và các trạm bơm tiêu chính cho khu vực; mạng lưới thoát nước được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô theo từng lưu vực, tiểu lưu vực và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập các dự án đầu tư nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế; tiêu chí thoát nước là phát huy tối đa khả năng thoát nước mưa bằng tự chảy, tăng diện tích thấm nước mưa, bố trí hệ thống công trình trữ và chứa nước hợp lý nhằm điều hòa nước mưa, kết hợp cùng với giải pháp bơm thoát nước cưỡng bức phù hợp; hạn chế chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích khác.

Đối với các khu đô thị mới, ngoài hệ thống thoát nước chung hiện có, phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị bao gồm mạng lưới thoát nước mưa, kênh mương, hồ điều hòa, trạm bơm và các công trình thoát nước tại chỗ (như thấm, trữ nước mưa); nước mưa được thoát ra sông, kênh, hồ…

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ, dự án thoát nước quận Hà Đông, dự án cải tạo chống ô nhiễm các hồ nội thành, xây dựng một loạt trạm bơm phục vụ thoát nước các tiểu lưu vực: Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xã, Tả Thanh Oai và các nhà máy xử lý nước thải tập trung: Yên Xá, Phú Đô, Tây sông Nhuệ, Phú Thượng để bảo đảm môi trường và thoát nước cho các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì…

Như vậy, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị mới đã rõ. Mong rằng thành phố đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng phù hợp với quy hoạch và thực tế đô thị; đồng thời tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm phát triển đô thị bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33678302-xu-ly-tinh-trang-ung-ngap-o-khu-vuc-phia-tay-nam-tp-ha-noi.html