Xử lý triệt để vi phạm đê điều

Mặc dù thành phố liên tục chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết xử lý và có biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng vi phạm pháp luật đê điều vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Xử lý triệt để những vi phạm này không chỉ là yêu cầu của thành phố mà hơn hết chính là đòi hỏi từ thực tế...

Công trình vi phạm pháp luật đê điều tại xã Kim Lan (huyện Gia Lâm).

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Hạt Quản lý đê số 6 (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm xảy ra 30 vụ vi phạm pháp luật đê điều; trong đó, xã Kim Lan để xảy ra 6 vụ, xã Trung Mầu 6 vụ, xã Dương Hà 5 vụ, xã Phù Đổng 4 vụ… Các vi phạm chủ yếu là thiếu thỏa thuận, giấy phép xây dựng công trình trên bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều…

Không chỉ người dân vi phạm mà một số cơ quan, doanh nghiệp xây dựng các công trình trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng chưa nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật đê điều, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I, Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng Hùng Phú, Hợp tác xã Làng Gióng…

Còn tại huyện Sóc Sơn, mặc dù không để xảy ra nhiều vụ nhưng tính chất vi phạm lại rất nghiêm trọng: Trong số 13 vụ vi phạm có 9 vụ xâm hại mái đê cấp I, cấp III; 1 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê kè tả sông Cà Lồ…

Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ đầu năm đến nay, 23 quận, huyện, thị xã có đê từ cấp III trở lên đã để xảy ra 143 vụ vi phạm pháp luật đê điều, tăng 12 vụ so cùng kỳ năm 2017; trong đó, 44 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ chân đê, 39 vụ xây dựng công trình trong không gian thoát lũ (bãi sông) và 37 vụ xâm hại mái đê…

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Hồng Minh cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm hiện nay là các hạt quản lý đê không có chức năng xử lý; chỉ có thẩm quyền lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm và gửi hồ sơ đề nghị chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn xử lý…

Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão đã ban hành 133 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền… Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, nhiều quận, huyện, thị xã đã không để xảy ra vi phạm, như: Hoàn Kiếm, Sơn Tây; hoặc có địa phương để xảy ra ít vụ việc nhưng đã kịp thời xử lý, như các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Bắc Từ Liêm…

Tuy nhiên, do một số địa phương còn nể nang, né tránh, thiếu kiên quyết nên chưa xử lý triệt để các vụ việc vi phạm, như: Huyện Gia Lâm xử lý 6 vụ, tồn đọng 24 vụ; huyện Thường Tín xử lý 2 vụ, tồn đọng 22 vụ; huyện Ứng Hòa xử lý 1 vụ, tồn đọng 12 vụ; huyện Ba Vì xử lý 2 vụ, tồn đọng 13 vụ… Cá biệt, có huyện phát sinh nhiều vi phạm nhưng chưa xử lý như: Sóc Sơn 13 vụ, Quốc Oai 10 vụ, Thanh Oai 10 vụ, Phú Xuyên 6 vụ…

Lý giải về tình trạng trên, nhiều xã thuộc các huyện: Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Sóc Sơn… cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều hiện nay chưa thực sự hiệu quả dẫn đến ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, bảo vệ công trình đê điều của người dân còn hạn chế. Về khó khăn trong xử lý vi phạm do nhiều ngôi nhà, thửa đất của nhân dân đã được cấp “sổ đỏ” trước thời gian Luật Đê điều có hiệu lực; nhiều tuyến đê đi qua khu dân cư tập trung nhưng chưa có đường hành lang... dẫn đến việc nhân dân tự ý mở lối lên mặt đê...

Giải pháp phải đủ mạnh

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, đã yêu cầu Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn và cơ quan liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đặc biệt, đã ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật đê điều; tập huấn công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn về nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm…

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đề xuất UBND thành phố giao Sở Nội vụ thanh tra công vụ những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý hoặc xử lý không triệt để. Thanh tra TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT thanh tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan các vụ vi phạm nghiêm trọng…

Đi đôi với biện pháp trên, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố, Bộ NN&PTNT bố trí nguồn vốn ưu tiên đầu tư các dự án: Cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê điều; xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê; xác định cụ thể các khu vực công trình, nhà ở phải di dời, khu vực bãi sông đủ điều kiện xây dựng mới công trình… để vừa phục vụ công tác quản lý đê điều, vừa tạo thuận lợi cho các địa phương chỉnh trang khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội…

“Sau khi lập biên bản vi phạm, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội phải đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện giải tỏa, xử lý sai phạm. Nếu không có chuyển biến, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão khẩn trương báo cáo Sở NN&PTNT và thành phố để có biện pháp giải quyết triệt để” - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tại buổi làm việc với Đảng ủy Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ chính trị 8 tháng năm 2018, diễn ra ngày 19-9.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/914406/xu-ly-triet-de-vi-pham-de-dieu