Xử lý tro xỉ tính vào giá điện: Đòi hỏi vô lý

Khi đầu tư dự án nhà máy điện, doanh nghiệp đã phải tính kinh phí môi trường, xử lý tro xỉ và thể hiện trong phương án tài chính.

Không để bắt dân gánh chịu

Mới đây, tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì tổ chức, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc nhà máy Mông Dương 1 cho biết, việc sử dụng tro xỉ phải có kinh phí để xử lý.

Theo tính toán của doanh nghiệp này, công đoạn trên sẽ làm lãng phí 37.000 tỉ đồng đầu tư của nhà nước tuy nhiên theo quy định về xác định giá điện, chi phí này chưa đưa vào.

Vị Giám đốc này đưa ra khả năng phải đóng cửa nhà máy vì lượng tro xỉ quá lớn và đề nghị tính tiền xử lý tro xỉ, xử lý môi trường vào giá điện.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng việc tính đúng, tính đủ chi phí vào giá bán là cần thiết. Tuy nhiên ông Ngãi băn khoăn về số tiền 37.000 tỷ đồng doanh nghiệp bỏ ra để xử lý tro xỉ.

“37.000 tỷ này như thế nào, đã chi xử lý một lần khi xây dựng nhà máy hay là chi hàng năm? Tại sao bây giờ mới đưa ra con số này, để rồi yêu cầu tăng giá điện?

Nếu tính chi phí này vào, theo giá điện hiện nay thì điện than lời hay lỗ, cần phải được làm rõ. Nếu lỗ thì việc cung cấp điện than là không hiệu quả, và như vậy lỗi này là thuộc về ai, người thẩm định và phê duyệt dự án ? Không thể vì lý do này mà tăng giá điện”, ông Ngãi đặt câu hỏi.

Bãi tro xỉ một nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL. Ảnh: TTO

Về nguyên tắc, ông Ngãi cho rằng khi đầu tư dự án nhà máy điện, doanh nghiệp đã phải tính kinh phí môi trường, xử lý tro xỉ và thể hiện trong phương án tài chính.

“Không thể đến bây giờ doanh nghiệp tính thêm vào giá điện, làm tăng giá điện, mọi người dân phải gánh chịu, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp khác, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngãi nói.

TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI cho đồng tình với việc tính đầy đủ các loại phí vào giá điện, trong đó có phí xử lý tro xỉ, môi trường vào giá điện là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Phúc đây là chi phí thực và bắt buộc phải tính vào. Hơn nữa tro xỉ hay những vấn đề liên quan đến môi trường chỉ là một phần rất nhỏ của quá trình sản xuất.

“Người dân khi mua sản phẩm thì phải chịu những khoản phí trên. Người dân ra chợ mua gạo thì giá bán ra cũng tính đầy đủ hết các quá trình, từ việc người nông dân sản xuất ra hạt gạo, rồi xay giã, chi phí vận chuyển...

Hiện nay giá điện của VN thuộc loại thấp nhất thế giới. Nếu tính đầy đủ thì giá điện của VN phải đạt 5.600 đồng/kwh (khoảng 22 cent) chứ không phải 1.100 hay 1.200 đồng/kwh như bây giờ. Tuy nhiên việc này phải xem xét, đánh giá một cách cụ thể, chi tiết”, ông Phúc nhấn mạnh.

EVN phải công khai cách tính giá điện

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhận định, việc tính thêm các chi phí trên vào giá điện là khó thực hiện. Bởi lẽ giá điện là giá chung, làm sao phân biệt được điện nào của nhà máy của Nhà Máy Mong Dương?

“Nếu tính chung cho tất cả nguồn điện thì bắt người tiêu dùng điện phải chịu chung hết sao. Đây là lượng tiền khá lớn, gần 2 tỷ USD.

Vậy việc cung cấp điện than này có hiệu quả hay không so với nguồn điện khác, điều này phải được thẩm định rõ trước khi xây dựng nhà máy, không thể để bây giờ lấy lý do này để tăng giá điện gây hậu quả cho người dân. Là người tiêu dùng điện, không ai chấp nhận đề xuất này của Nhà máy Mong Dương 1”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, Chính phủ không nên chấp nhận đề xuất này bởi lẽ điện là một ngành độc quyền “tự nhiên”. Khi Chính phủ quyết định giá cần quan tâm trước hết là phúc lợi của người tiêu dùng. Những yếu tố đầu vào như xăng dầu và bây giờ đến điện liên tục gánh chịu chi phí môi trường như vậy, sẽ tổn hại không nhỏ đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

“Thay vì để doanh nghiệp tính phí xử lý tro xỉ, môi trường vào giá điện, tôi nghĩ nhà nước nên kiểm soát chặt công nghệ mà doanh nghiệp sử dụng khi sản xuất nhiệt điện.

Một khi công nghệ đắt tiền, uy tín thì những nguy cơ về ô nhiễm môi trường sẽ được giảm đáng kể. Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ thì nhất quyết không cho triển khai dự án”, ông Ngãi khẳng định.

Trong khi đó, điều TS Nguyễn Bách Phúc lo lắng đó là giá điện của Việt Nam thời gian qua quá thấp đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phúc gọi giá điện quá thấp là một sai lầm lớn của cơ quan nhà nước. Điều này dẫn tới việc ngành điện EVN đang lỗ mấy trăm ngàn tỷ.

Ngoài ra, do giá điện rẻ nên tư bản nước ngoài nhảy vào đầu tư hai ngành hết sức tốn kém điện ở Việt Nam là thép và xi măng. Theo tính toán của ông Phúc, với giá nhà nước bán điện cho doanh nghiệp nước ngoài chênh nhau tới 5 lần thì mỗi năm Việt Nam phải mất cho các doanh nghiệp tư bản nước ngoài FDI nhiều tỷ USD.

Để hạn chế những vấn đề trên, ông Phúc đề nghị nhà nước yêu cầu EVN phải công khai cách tính giá điện.

“Tôi và các chuyên gia khác đã nhiều lần đề nghị EVN công khai cách tính giá điện. Tuy nhiên EVN không dám đưa ra cách tính giá điện.

Vì thế nhà nước phải giao EVN tính đủ, công khai cách tính giá điện để mọi người cùng biết và giám sát”, ông Phúc chia sẻ.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xu-ly-tro-xi-tinh-vao-gia-dien-doi-hoi-vo-ly-3342364/