Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Cần 'thuốc đặc trị'!

Tình hình vi phạm công trình thủy lợi kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh. Để chấm dứt tình trạng này, cần có 'thuốc đặc trị'!

Lấn chiếm lòng sông Nhuệ làm bãi đỗ xe ở quận Hà Đông.

Tồn đọng 9.756 vụ vi phạm

Mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm phòng, chống úng ngập nhưng số vụ vi phạm công trình thủy lợi vẫn diễn ra ở hầu khắp quận, huyện, thị xã. Tại huyện Thanh Oai, 10 hộ dân ở các xã Liên Châu, Mỹ Hưng, Bích Hòa, Cự Khê và thị trấn Kim Bài làm cầu, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kênh tiêu Yên Cốc, Phượng Mỹ, La Khê, N3… Tại huyện Mỹ Đức, 6 hộ dân ở xã Hồng Sơn, An Tiến, Hợp Tiến, Phúc Lâm, Bột Xuyên xây dựng công trình xâm hại hồ Vĩnh An, Quan Sơn, kênh tiêu chính An Đà - Đầm Tầu, kênh tiêu Cống Bột… Tại huyện Đan Phượng, 2 hộ dân ở xã Thọ Xuân, Trung Châu làm cầu qua kênh Tiên Tân. Đặc biệt, tại quận Nam Từ Liêm phát sinh 2 trường hợp ở phường Cầu Diễn, Trung Văn xây dựng công trình nhà ở trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ…

Chưa hết, hệ thống thủy lợi của Hà Nội đang bị người dân, doanh nghiệp biến thành nơi chứa chất thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt… Đơn cử, trên tuyến kênh tiêu sông Cầu Bây, hiện có 38 điểm xả nước thải của thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và các phường Việt Hưng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Thạch Bàn (Long Biên)... Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông Cầu Bây của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tất cả 16 thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép; trong đó chỉ tiêu NH4 vượt 6,6 - 33,8 lần; dầu mỡ vượt 13,2 - 16,1 lần; Coliform vượt 1,2 - 9,6 lần... Chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh…

Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 71 vụ xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, các địa phương mới xử lý được 16 vụ, tồn đọng 55 vụ. Tổng số vụ vi phạm tồn đọng từ trước đến nay là 9.756 vụ; trong đó 1.359 vụ xây nhà cấp ba, 2.763 vụ xây nhà cấp bốn, 243 vụ xây dựng nhà xưởng, 1.158 vụ dựng lều lán, 658 vụ xây dựng công trình phụ, 1.395 vụ trồng cây, 85 vụ đào đất, đổ phế thải… Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố tồn tại 1.375 điểm xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, trong đó 644 điểm xả nước thải sản xuất công nghiệp, làng nghề, 731 điểm xả nước thải dân sinh, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện… Thực tế này không chỉ gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy tiêu, thoát nước phục vụ công tác phòng, chống úng ngập, hạn hán mà còn đe dọa chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm xấu cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quyết liệt xử lý

Theo Nghị định 139/2013/ NĐ-CP, ngày 22-10-2013, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt bão thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi (Chi cục Thủy lợi Hà Nội) Nguyễn Học Thuận phân tích: Do một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố thiếu trách nhiệm, né tránh, ngại va chạm nên kết quả xử lý vi phạm đạt thấp. Nhiều vụ việc, sau khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã lập biên bản, đình chỉ vi phạm, thông báo, đôn đốc chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền nhưng vi phạm vẫn không được xử lý dứt điểm. Thậm chí, nhiều địa phương còn đẩy trách nhiệm về phía doanh nghiệp thủy lợi. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết, cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp thủy lợi còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa, chống đối quyết liệt…

Để ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, giải quyết triệt để các vi phạm tồn đọng, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát úng ngập trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, chính quyền cơ sở trong bảo vệ công trình thủy lợi; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thủy lợi rà soát, thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa các vụ vi phạm phát sinh trong năm 2017, các vi phạm trực tiếp gây cản trở dòng chảy, trong lòng sông, lòng kênh, các trục tiêu chính; từng bước giải tỏa các tồn tại cũ, không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy lợi bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các vi phạm ngay từ những giờ đầu; phối hợp các địa phương lập biên bản; phân loại, xây dựng kế hoạch, phương án, kiên quyết giải tỏa vi phạm ngay khi phát sinh, không để phát triển đến mức khó xử lý...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cũng đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước thải của các tổ chức, cá nhân trước khi xả ra môi trường, nhất là các doanh nghiệp nằm sát bờ sông, trục kênh mương chính. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và nhà máy xử lý trước khi xả ra môi trường…

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/877702/xu-ly-vi-pham-cong-trinh-thuy-loi-can-thuoc-dac-tri