Xử lý vụ Tracimexco xé rào bán trụ sở: Cơ quan chức năng lúng túng

Sau 6 năm phát hiện vụ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (Tracimexco) bán trụ sở tại 22 - Phan Đình Giót, TP. HCM sai quy định, các bộ, ngành liên quan và UBND TP.HCM vẫn chưa tìm được hướng xử lý cuối cùng.

Ảnh minh họa.

Lúng túng

Bộ GTVT vừa có Công văn số 6769/BGTVT - TC gửi Bộ Tài chính về việc sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất tại số 22 - Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

Cần phải nói thêm rằng, trong 6 năm qua, liên tục các văn bản trao đi, đổi lại được Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND TP.HCM ban hành để tìm lối thoát cho vụ bán tài sản Nhà nước được đánh giá là rất hy hữu này.

Được biết, lô đất mặt tiền rộng 365m2 tại số 22 - Phan Đình Giót từng là trụ sở của Tracimexco suốt 10 năm (1999 - 2010).

Đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, kho bãi, lắp ráp ô tô và xuất khẩu lao động được Bộ GTVT tiến hành cổ phần hóa năm 2014, với số vốn điều lệ là 237 tỷ đồng và phần vốn Nhà nước tại Tracimexco đã được Bộ GTVT chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trong Công văn số 6769, Bộ GTVT cho biết, Tracimexco đã thừa nhận việc bán cơ sở nhà đất trên là không đúng với Quyết định số 09/2007/QĐ - TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Tracimexco đã thực hiện bán cơ sở nêu trên căn cứ vào Nghị định 199/2004/NĐ - CP của Chính phủ ngày 3/4/2004 về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệpkhác.

Về kết quả thẩm định giá cơ sở nhà, đất nêu trên và quá trình sử dụng đất của người trúng đấu giá từ thời điểm nhận bàn giao cơ sở nhà đất đến nay có hay không việc thay đổi chủ sở hữu, mục đích sử dụng đất tương ứng với nghĩa vụ tài chính khi thay đổi chủ sử dụng, do những nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, nên Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính lấy ý kiến của UBND TP.HCM về các nội dung này.

Điều này có nghĩa là, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa tìm được hướng xử lý cuối cùng đối với vụ Tracimexco xé rào bán trụ sở sai quy định kể từ khi vụ việc được phát hiện vào giữa năm 2012.

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, lô đất 22 - Phan Đình Giót đã tiến hành sang tên, đổi chủ khá nhiều lần. Hiện UBND TP.HCM chỉ đạo tạm ngừng giải quyết các thủ tục thực hiện cấp, đổi đối với lô đất này. Được biết, tại Công văn số 2045/BTC - QLCS ngày 21/2/2018, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng SCIC, UBND TP.HCM thực hiện rà soát lại quá trình bán đấu giá cơ sở nhà đất bao gồm việc xác định giá khởi điểm, hình thức đấu giá, người trúng đấu giá, nghĩa vụ tài chính.

Trên thực tế, Công văn 2045 của Bộ Tài chính là không sát với chỉ đạo liên quan đến vụ việc này của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bởi tại Công văn số 8557/VPCP - CN ngày 14/8/2017, Phó thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và UBND TP.HCM chỉ đạo hủy kết quả bán và thu hồi lại cơ sở nhà, đất tại số 22 - Phan Đình Giót.

Sơ suất hay cố ý

Theo giải trình của Tracimexco, lô đất số 22 - Phan Đình Giót có diện tích 365 m2, được đơn vị này mua vào năm 1999 và chính thức chuyển trụ sở về đây vào năm 2002. Đây là lô đất có mặt tiền rộng và chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất chưa đầy 1 km.

Do trụ sở 22 - Phan Đình Giót nằm trong quy hoạch là biệt thự nhà ở chỉ được phép xây dựng thấp tầng, không phù hợp với công năng làm văn phòng làm việc, nên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh, HĐQT Tracimexco đã quyết định chuyển nhượng căn nhà này để lấy vốn đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng khác phù hợp hơn.

Trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty cổ phần Bất động sản Togi - chi nhánh TP.HCM, ngày 29/12/2008, HĐQT Tracimexco đã phê duyệt phương án chuyển nhượng và giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản là 23,733 tỷ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất là 21,568 tỷ đồng, giá trị công trình xây dựng là 2,165 tỷ đồng.

Thương vụ bán trụ sở này chính thức hoàn tất vào tháng 2/2009. Thông qua Công ty cổ phần Bán đấu giá tài sản Lam Sơn, lô đất và nhà tại 22 - Phan Đình Giót đã thuộc về ông bà Nguyễn Trung Dũng và Vương Thị Mai Vinh với giá trúng đấu giá là 23,779 tỷ đồng.

Vietracimex đã sử dụng số tiền này này để mua khu đất số 36 - Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình và chuyển đến đây vào năm 2013. Trụ sở nhà đất tại 36 Bạch Đằng đã được Tracimexco đưa vào giá trị doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần vào năm 2014.

Theo lý giải của ông Phạm Trần Khoa, Chủ tịch HĐQT Tracimexco, số tiền mua đất và đầu tư xây dựng nhà 22 - Phan Đình Giót là bằng nguồn vốn tự có từ hoạt động kinh doanh, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

“Do đó, Tracimex nhận thức rằng, cơ sở nhà đất 22 - Phan Đình Giót không thuộc đối tượng kê khai theo Quyết định số 09 ”, ông Khoa cho biết. (Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước - PV)

Cần phải nói thêm rằng, vụ việc chuyển nhượng trụ sở sai quy định này chỉ được các cơ quan chức năng phát hiện khi Ban chỉ đạo số 09 TP.HCM họp liên ngành sắp xếp cơ sở nhà đất tại Công ty Tracimexco.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, khi thực hiện bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Tracimexco không thực hiện đúng Quyết định số 09, theo đó không thông qua Sở Tài chính thẩm định giá trình UBND TP. HCM phê duyệt giá khởi điểm.

Tại Công văn số 7182/BTC - QLCS ngày 31/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý cơ sở nhà, đất số - 22 Phan Đình Giót, Bộ Tài chính cũng khẳng định, Tracimexco bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại lô đất nói trên là chưa phù hợp với quy định về phương thức xử lý các cơ sở nhà, đất do Công ty nhà nước quản lý, sử dụng; trình tự, thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử đất.

Theo đó, việc chuyển nhượng này phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính và giá khởi điểm đấu giá phải được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định, phê duyệt.

Cũng tại Văn bản số 7182, bên cạnh việc yêu cầu lãnh đạo Tracimexco kiểm điểm, rút kinh nghiệm, Bộ Tài chính đề xuất 2 hướng xử lý.

Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM kiểm tra quy định thực hiện bán tài sản, nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát thì báo cáo Thủ tướng hủy kết quả bán tài sản, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp quá trình bán được tuân thủ đúng luật, số tiền thu được từ nhượng quyền sử dụng đất phải phân chia cho ngân sách TP.HCM 50% theo quy định tại khoản 5, Điều 1, Quyết định số 140/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại về nguyên tắc phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản để Bộ Tài chính cấp cho Tracimexco thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Đối chiếu với quy định do Bộ Tài chính dẫn chiếu, việc bán lô đất số 22 - Phan Đình Giót và việc mua trụ sở tại 36 - Bạch Đằng của Tracimexco đều bị “việt vị” rất sâu.

Điều đáng nói là, tháng 1/2018, tại Công văn số 46/UBND - KT gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã khẳng định, do không được báo cáo nên UBND TP.HCM không có các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thẩm định giá và phê duyệt giá khởi điểm, cũng như không công nhận kết quả này.

Theo các chuyên gia luật pháp, trong trường hợp thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc hủy kết quả bán và thu hồi lại cơ sở nhà, đất tại số 22 - Phan Đình Giót, Tracimexo sẽ đứng trước rủi ro tài chính và pháp lý rất lớn.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước người mua, việc chuộc lại tài sản vào thời điểm này sẽ tốn chi phí lớn hơn nhiều lần so với số tiền mà Tracimexco thu được năm 2009.

“Đây thực sự là bài học đắt giá cho công tác sử dụng quản lý tài sản tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước”, một chuyên gia nhận định.

Doanh nghiệp giao thông “sống” ra sao sau cổ phần?

Theo Báo Đầu tư

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/xu-ly-vu-tracimexco-xe-rao-ban-tru-so-co-quan-chuc-nang-lung-tung-3458657.html