Xử lý xe máy cũ nát: Vẫn là 'bài toán' khó!

Cũng như thành phố Hồ Chí Minh, vì lý do mưu sinh, không ít người ở Hà Nội vẫn sử dụng xe máy cũ nát để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, những chiếc xe nói trên còn góp phần làm suy giảm chất lượng không khí, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm xe máy cũ nát lưu thông trên đường là không đơn giản.

Một số lượng đáng kể xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vẫn tham gia giao thông. Ảnh: Lưu Hà

Sẵn sàng bỏ xe để... tránh phạt

Ngày nào vợ chồng anh Lương Vương Linh và chị Nguyễn Thị Phượng (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng dậy sớm đến chợ đầu mối La Khê (quận Hà Đông) để buôn bán gia cầm. Phương tiện chở hàng của hai vợ chồng là chiếc Honda Cup 82 và Dream “lùn” được gia cố thêm để có thể chở được nhiều hàng hóa. Cả 2 chiếc xe của gia đình đều “cao tuổi” hơn cả đứa con đầu đang là sinh viên đại học. Mặc dù biết là không an toàn nhưng anh chị đành “tặc lưỡi” tận dụng vì có bán cũng chỉ được giá như bán sắt vụn.

Tham gia giao thông hằng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe cũ nát “nghênh ngang” chở hàng cồng kềnh, có khi kéo theo cả một chiếc xe cải tiến để chở hàng hóa. Độ liều lĩnh của chủ phương tiện thì... miễn bàn. Là người trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, Trung tá Đào Bảo Ngọc (Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) cho biết, với mức xử phạt nặng như hiện nay, chủ các phương tiện cũ nát thường sẵn sàng bỏ xe khi bị giữ phương tiện để xử lý.

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông) nêu dẫn chứng thông qua biên bản về hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của anh Nguyễn Văn T. (ở quận Ba Đình, Hà Nội) khi lưu thông bằng xe máy trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) từ tháng 7-2020. “Xin xỏ không được, anh T. bỏ đi, không ký vào biên bản, tổ công tác phải lấy chữ ký của người làm chứng rồi đưa phương tiện về trụ sở. Tuy nhiên, đã 8 tháng trôi qua mà anh T. vẫn không chịu đến trụ sở của đội để giải quyết. Nguyên nhân là giá trị chiếc xe còn thấp hơn mức phạt” - Đại úy Chinh nói. Còn Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, đối với các xe cũ nát, xe không có đăng ký, xe gian, xe nghi là tang vật vụ án, hầu như người vi phạm nào cũng bỏ luôn xe để tránh nộp phạt.

Liên quan tới số phương tiện bị bỏ lại nói trên, việc thiếu bãi trông giữ phương tiện vi phạm đang là vấn đề gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Có mặt tại trụ sở Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đóng tại ngã ba thị trấn Xuân Mai - Hòa Lạc (huyện Chương Mỹ), phóng viên ghi nhận nhiều xe máy cũ nát nằm phơi mưa nắng ngay trong sân. Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 cho biết, đơn vị không có kho bãi trông giữ phương tiện, các phương tiện bị giữ đều được để ngay trong trụ sở. Tương tự, Đội Cảnh sát giao thông số 10 (đóng tại quận Hà Đông, được phân công đảm bảo giao thông tuyến quốc lộ 21 dài vài chục kilômét qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức) cũng không có kho bãi riêng. Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 10 cho biết, mỗi khi tạm giữ phương tiện, nhất là tại các địa điểm giáp với tỉnh Hà Nam, lực lượng cảnh sát giao thông đều phải đưa về địa bàn quận Hà Đông với quãng đường vài chục kilômét, rất tốn kém và mất thời gian.

Vẫn chờ thuốc “đặc trị”

Xe trơ khung vẫn chở hàng khắp phố phường. Ảnh: Công Huy

Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên ra vào thành phố. Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng không khí đô thị và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.

Để từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm lượng phát thải từ các phương tiện giao thông cũ nát, ngày 11-8-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Báo cáo số 7008/BC-STNMT-CCBVMT trình UBND thành phố về việc chấp thuận triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Đầu tháng 9-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố cho phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình. Nếu được phép triển khai, chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm khí thải cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để đo khí thải xe máy trên địa bàn 6 quận là Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Thanh Xuân. Hà Nội cũng dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm chương trình đổi xe cũ (sản xuất trước năm 2002) với mức hỗ trợ khoảng 2 - 4 triệu đồng nếu người dân đổi xe. Tuy nhiên, chương trình này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thêm nên chưa quyết định thời điểm triển khai cụ thể.

Còn theo ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, việc thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là vấn đề cấp thiết nhưng không phải việc dễ. Trước đây, vào tháng 6-2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông để UBND Thành phố trình HĐND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã tính toán phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn về khí thải xe máy. Theo đó, từ ngày 1-1-2018 Hà Nội sẽ thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện cho rằng cần phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo đề án.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (ngày 22-5-2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có danh mục mô tô, xe gắn máy các loại, nhưng hiện chưa có quy định về niên hạn cụ thể. Vì vậy, hiện không có cơ sở pháp lý để thu hồi phương tiện. “Cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý và thu hồi các xe máy cũ nát, xe không có giấy tờ xe, đăng ký. Tuy nhiên, với xe máy cũ nát lưu thông trên đường mà có giấy tờ xe đầy đủ thì rất khó xử lý. Do vậy, cảnh sát giao thông tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông không sử dụng xe cũ nát để bảo đảm an toàn cho bản thân và người đi đường, đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường” - Thiếu tá Đào Việt Long nhấn mạnh.

Triệu Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/996398/xu-ly-xe-may-cu-nat-van-la-bai-toan-kho