Xu Man - họa sĩ của núi rừng Tây Nguyên

Họa sĩ Xu Man là người dân tộc Ba Na. Ông được coi là cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên. Tác phẩm của ông biểu hiện tình cảm và khát vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được trưng bày ở nhiều bảo tàng và có trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Pa-nô giới thiệu triển lãm tranh, ảnh và tư liệu về họa sĩ Xu Man - “Những gì còn lại...” diễn ra từ ngày 29-11 đến 2-12, tại Gia Lai. Ảnh: Hà An

Họa sĩ Xu Man sinh năm 1925, trong gia đình nông dân nghèo ở làng Đê Kral, xã Bắc, thị xã An Khê (Gia Lai). Ông đam mê vẽ từ khi còn rất nhỏ. Năm lên 6 tuổi, Xu Man đã say sưa vẽ, vẽ mọi lúc, mọi nơi và bằng các loại bút, thậm chí có cả đá màu và những mẩu gạch vỡ. 7 tuổi, Xu Man vẽ được cảnh núi rừng, muông thú mà mình yêu thích. Lớn lên, ông giác ngộ cách mạng, tham gia du kích xã. Năm 1954, trong biên chế Trung đoàn 120, ông tập kết ra Bắc. Sau đó, ông học văn hóa rồi học hội họa tại trường Mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình học tập, ông say mê vẽ tranh, vẽ bất cứ lúc nào rảnh rỗi, cái nào đẹp lại dán lên vách tường nhà để ngắm. Tranh ông đậm “chất” Tây Nguyên hùng vĩ với truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc, khắc sâu những phong tục, hội hè và cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, cùng thiên nhiên hoang dã, độc đáo...

Nói đến tranh của họa sĩ Xu Man, không thể không nhắc đến đề tài Bác Hồ. Tháng 2-1962, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội. Lần gặp đó, ông sung sướng đến bật khóc và ôm chặt lấy Bác. Lúc ấy, Bác đã ân cần động viên Xu Man và các bạn học sinh miền Nam cố gắng học tập thật tốt để sau này trở về phục vụ cách mạng, đến ngày thống nhất đất nước, Bác sẽ vào thăm. Khắc ghi lời Bác dạy, ông đã cố gắng học tập và trở thành một họa sĩ tài danh của núi rừng Tây Nguyên.

Kể từ đó, những bức tranh vẽ về Bác Hồ của họa sĩ tài danh Xu Man lần lượt ra đời. Bức đầu tiên phải nhắc đến là “Bác Hồ với Tây Nguyên”, sau đó là hàng trăm tác phẩm nổi tiếng như: “Bác Hồ với học sinh Tây Nguyên”, “Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên”, “Mừng chiến thắng”... Đặc biệt, trong tranh của ông, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, thân thương giữa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Khi đất nước vẫn còn chia cắt, ông xung phong trở về miền Nam, về quê hương hoạt động, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu như một người lính thực thụ, vừa vẽ tranh nghệ thuật lẫn tranh tuyên truyền cổ động phục vụ nhân dân, bộ đội. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông lại ra miền Bắc học tiếp, hoàn thành chương trình mỹ thuật hệ chính quy, rồi về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum. Ông từng được liên tiếp bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai khóa đầu tiên. Năm 1976, ông giành giải A hội họa tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1976. Cuối năm 1983, ông về nghỉ hưu ở plei (làng) Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ông mất năm 2007.

Hình ảnh Bác Hồ và Tây Nguyên được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Xu Man. Tranh ông có trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ rất sớm, với số lượng “đông đảo” bất ngờ. Điều ấn tượng trong tranh của ông là những gam màu gốc, tươi sáng và hồn hậu, nồng nhiệt như con người ông vậy. Các “nhân vật chính” trong tranh Xu Man là cả một cộng đồng người. Và đặc biệt, cái cộng đồng người ấy đã quần tụ lại chung quanh một niềm tin, cũng trong sáng, tươi nguyên và chân chất, đầy chất Ba Na. Trong suốt cuộc đời, ông không giữ lại gì cho riêng mình. Ông vẽ hàng ngày những bức tranh về đề tài Bác Hồ, quê hương, núi rừng, vẽ về những điều ông cho là tốt đẹp. Ông cứ lặng lẽ vẽ chỉ để cho và... tặng.

Ông là họa sĩ Tây Nguyên duy nhất đến thời điểm này giành Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm của mình... Tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, tại Hà Nội, họa sĩ tài danh Xu Man được truy tặng với ba tác phẩm, trong đó có bức sơn dầu nổi bật là "Bác Hồ với Tây Nguyên". Đây là giải thưởng cấp quốc gia, do Chủ tịch nước tặng thưởng cho những tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, từ ngày 29-11 đến 2-12, có phần triển lãm tranh, ảnh và tư liệu về họa sĩ Xu Man. Đây là cơ hội để người hâm mộ đến thưởng thức tranh của một họa sĩ tài hoa, "cánh chim đầu đàn" về mỹ thuật của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Hà An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xu-man-hoa-si-cua-nui-rung-tay-nguyen/