Xử phạt nghiêm các cơ sở không đăng ký mã ao nuôi

Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, theo đó các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và nuôi trồng thủy sản lồng bè phải tiến hành đăng ký cấp giấy xác nhận (hay còn gọi mã ao nuôi). Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định này, bên cạnh những thuận lợi, tại một số địa phương trên địa bàn Quảng Ninh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện đăng ký mã ao nuôi. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Giang (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT về nội dung này.

- Xin ông cho biết, việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?

- Xin ông cho biết, việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?

+ Ngay sau khi Nghị định số 26 được ban hành, Sở NN&PTNT đã tổ chức thông tin, tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và đề nghị các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực thực hiện. Tháng 11/2019, Tổng cục Thủy sản đã chọn Quảng Ninh là địa phương thí điểm trong cả nước tập huấn, phổ biến quy định đăng ký xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn thực hiện đăng ký thủ tục này. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, cập nhật danh sách cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm trong diện đăng ký mã ao nuôi. Kết quả rà soát đến ngày 20/9/2020, toàn tỉnh có gần 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đăng ký mã ao nuôi. Hiện Sở NN&PTNT đang yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đăng ký xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Về thủ tục đăng ký mã ao nuôi cần đáp ứng đủ 3 điều kiện, gồm: Đơn đề nghị đăng ký; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao hoặc cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản; sơ đồ mặt bằng vị trí ao, lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở. Khâu đăng ký cấp mã số ao nuôi được giải quyết nhanh gọn, miễn phí 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Việc đăng ký mã số ao nuôi sẽ đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo ATTP trong nuôi trồng thủy sản; truy suất được đến tận ao, bè, lồng nuôi. Đây là khâu quan trọng để mặt hàng thủy sản có thể tiếp cận xuất khẩu được. Ngoài ra, việc đăng ký mã ao nuôi còn tạo thuận lợi hơn công tác quản lý nhà nước về hoạt động nuôi trồng thủy sản như triển khai các chính sách khôi phục sản xuất khi gặp thiên tai, dịch bệnh.

- Được biết, một số địa phương hiện chưa đạt được tiến độ đăng ký mã ao nuôi trồng thủy sản như kế hoạch đặt ra. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

+ Từ khi triển khai Nghị định số 26 đến nay, toàn tỉnh có 138 cơ sở nuôi trồng thủy sản (129 cá nhân và 9 tổ chức) đã thực hiện và được cấp giấy xác nhận đăng ký mã ao nuôi. Trong đó có 137 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với 1.321 ao (hơn 500ha) và 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè với 2.080 bè (25ha). Một số địa phương triển khai đăng ký mã số ao nuôi đạt cao là: Móng Cái (70 cơ sở), Đầm Hà (22 cơ sở), Hải Hà (21 cơ sở)…

Khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay về hồ sơ đăng ký cấp mã số ao nuôi của một số hộ nuôi trồng thủy sản đang gặp phải là không có chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc không có hợp đồng thuê đất dài hạn. Một số vùng nuôi trồng thủy sản tại Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn… bị chồng lấn với các quy hoạch khác nên khó cấp giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, người nuôi đã quen với việc phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Những rào cản này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Cơ sở nuôi tôm công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Khang (khu 12, phường Hà An, TX Quảng Yên) đầu tư hiện đại với công nghệ, quy trình VietGAP. Ảnh Thanh Tùng

- Lộ trình thực hiện và giải pháp chính để việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong thời gian tới sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?

+ Theo lộ trình, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020, dự kiến ít nhất 25% số cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng đủ quy định về thành phần hồ sơ thực hiện và được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Để đảm bảo theo kế hoạch đặt ra, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai hỗ trợ chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký mã số ao nuôi. Biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhằm giúp người dân dễ dàng thực hiện.

Yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát và tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đối với những cơ sở đã hướng dẫn đăng ký mã số ao nuôi nhưng cố tình chây ỳ, không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử phạt nghiêm theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến hết năm 2021, bằng mọi giải pháp phải thực hiện mục tiêu tỉnh đặt ra, 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng được đủ quy định về thành phần hồ sơ thực hiện, được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Tăng (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/xu-phat-nghiem-cac-co-so-khong-dang-ky-ma-ao-nuoi-2501166/