Xử phạt người dùng tay trần bán thực phẩm liệu có gặp khó như xử phạt hút thuốc lá?

Từ ngày mai, 20/10 Nghị định 115/2018 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Giống với xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, công tác triển khai cho Nghị định mới vẫn bằng hình thức tuyên truyền và dựa vào ý thức của người dân.

Từ ngày 20/10, Nghị định 115/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực. Tại Nghị định này, Chính phủ đưa ra quy định nâng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 - 500.000 đồng).

Với việc người sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố dùng tay bốc thức ăn tràn lan, mức phạt này mang tính tích cực, giúp người dân thay đổi thói quen, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, qua đánh giá các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc do vi sinh vật liên quan đến bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ chiếm tỷ lệ cao.

Thực hiện theo kế hoạch, một số phường trên địa bàn TP. Hà Nội đã tổ chức triển khai đến người dân và các hộ kinh doanh trên khu vực bằng hình thức tuyên truyền.

Ghi nhận của PV tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, công tác truyền thông giáo dục kiến thức VSATTP sẽ được phổ biến qua các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp, lồng ghép như: phát thanh tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp, nói chuyện, pano, khẩu hiệu, tư vấn...

Tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra về việc chấp hành VSATTP. Ảnh Internet.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, Hà Nội cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của quận, phường Mỹ Đình II đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phường Mỹ Đình II cũng tổ chức tuyên truyền cho các đoàn thể, tổ dân phố và ban quản lý các chợ trên địa bàn phường về kiến thức VSATTP”.

Bà Phương cũng cho biết thêm: “Việc xử phạt người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay cũng giống như việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức của người dân nên để giải quyết triệt để tình trạng này cách duy nhất là nâng cao ý thức của người mua và người bán. Tuyệt đối không chấp nhận bất cứ hành vi nào vi phạm VSATTP từ đó mới xử lý được tình trạng trên”.

Bên cạnh những trường hợp tuân thủ quy định VSATTP thì vẫn còn một số trường hợp cố tình chống đối, khi thấy tổ kiểm tra liên ngành đến đã bỏ chạy hoặc nhanh chóng đeo găng tay chống đối gây khó khăn cho việc xử lý sai phạm.

Tương tự tại phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đều cho biết: “Trước mắt sẽ triển khai tuyên truyền để người dân và các hộ kinh doanh thực phẩm nắm được. Sau khi Nghị định mới được áp dụng thì tiến hành kiểm tra, nhắc nhở nếu không tuân thủ thì xử phạt đối với những trường hợp vi phạm”.

Một chủ tiệm ăn dùng tay trần tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lụa – Phó chủ tịch phường Trung Văn cho biết: “Theo chỉ đạo của cấp trên, phường Trung Văn đã tổ chức tuyên truyền nội dung quy định về VSATTP đến toàn thể người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn phường. Phường đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành phối hợp với các ban quản lý chợ, khu dân cư để kiểm tra sát sao về việc chấp hành những quy định về VSATTP. Bên cạnh đó, phường cũng tuyên truyền tới người dân không nên mua thực phẩm nếu thấy không đảm bảo an toàn thực phẩm".

Sau khi tổ chức tuyên truyền, việc chấp hành quy định của người kinh doanh, chế biến tại các hàng, quán khu vực phường Trung Văn đã chuyển biến rõ nét. Từ quán ăn có địa chỉ cho tới gánh hàng rong bán vỉa hè, hầu hết người bán hàng đã đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay”.

Chị Thảo, chủ tiệm bánh mì cho biết: “Hành vi dùng tay trần bán thức ăn nên bị xử phạt nặng là điều hợp lý nhưng có khả thi hay không thì tôi nghĩ là không. Bởi vì khi dùng tay trần tiếp xúc trực tiếp với thức ăn thì người mua hàng đã không muốn mua rồi thì cần gì phải xử lý. Mà có xử phạt đi nữa thì ai là người phạt, ai là người quản lý? Có phải lúc nào người ta bốc thức ăn bằng tay trần cũng có người theo dõi đâu. Nếu biết có người kiểm tra thì người bán cũng sẽ không có hành động như thế”.

Nguyễn Lâm - Viên Viên

Nguyễn Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xu-phat-nguoi-dung-tay-tran-ban-thuc-pham-co-lap-lai-tinh-trang-cua-thuoc-la-a407864.html