Xử phúc thẩm VNCB: Tuyên án Phạm Công Danh và 17 đồng phạm vào ngày 25/12

Kết thúc phần tranh tụng, cho rằng do tính chất phức tạp của vụ án nên Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng dành nhiều thời gian để nghị án. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án 18 bị cáo vào ngày 25/12/2018.

Chiều 18/12,TAND TP.HCM Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB, tiền thân là TrustBank, nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB ) và 17 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa chiều 18/12 đã khép lại phần tranh tụng. Do tính chất phức tạp của vụ án, hội đồng xét xử (HĐXX) dành nhiều thời gian để nghị án. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 25/12 tới đây.

Trong phiên tòa chiều 18/12, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo (bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cao cấp của TrustBank) cho rằng, không có cơ sở để thu hồi 3.600 tỷ đồng theo đề nghị của ông Phạm Công Danh.

Theo lập luận của ông Danh, đây là số tiền ông trả nợ thay cho bà Phấn để lấy tài sản, không liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án. Thực tế đây là số tiền các bị cáo gửi ngân hàng để tái cơ cấu nên không có cơ sở để thu hồi.

Trong phần tranh luận về số tiền 4.500 tỷ đồng như bản án sơ thẩm buộc CB trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh, đại diện CB cho rằng việc tăng vốn điều lệ bằng số tiền này không đơn thuần là một giao dịch dân sự. Việc HĐXX cấp sơ thẩm áp dụng thêm quy định của Bộ luật Dân sự để làm cơ sở thu hồi số tiền này của CB để trả lại cho ông Danh là chưa phù hợp.

Bị cáo Phạm Công Danh mong HĐXX chấp nhận án sơ thẩm khi tuyên buộc CB trả lại cho ông 4.500 tỷ đồng.

Đối với số tiền 1.600 tỷ đồng bản án sơ thẩm buộc hai chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trả lại cho CB, luật sư của BIDV cho rằng, ngân hàng không có trách nhiệm bồi thường khoản thiệt hại này.

“BIDV không gây ra thiệt hại này, cấp sơ thẩm xác định thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV để hoàn trả lại cho CB là không có căn cứ pháp lý, không thỏa đáng”, đại diện BIDV nhấn mạnh.

Trong khi đó, bản án sơ thẩm buộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Láng Hạ trả cho CB 32 tỷ đồng, Agribank chi nhánh Tân Phú phải trả cho CB hơn 2 tỷ đồng, buộc Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) trả cho CB 1,9 tỷ đồng.

Các khoản vay của pháp nhân, cá nhân do Phạm Công Danh lập ra tại Agribank và Ocean Bank gây thiệt hại như nói trên, luật sư bào chữa của hai ngân hàng cho rằng, các khoản vay được thực hiện đúng theo nghiệp vụ ngân hàng, đúng quy định pháp luật.

Bởi theo các luật sư, không có quy định nào buộc ngân hàng phải kiểm tra nguồn tiền dùng để tất toán cho các khoản vay. Do đó, không thể xem các khoản tiền này là vật chứng của vụ án để thu hồi từ Agribank và Ocean Bank.

Khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, Phạm Công Danh và các bị cáo đều mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết mà các bị cáo lẫn luật sư bào chữa nêu lên, từ đó đưa ra mức án hợp tình, hợp lý.

Về dân sự, bị cáo Phạm Công Danh mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận án sơ thẩm khi tuyên buộc CB phải hoàn trả lại cho bị cáo số tiền 4.500 tỷ đồng.

Phương Nam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xu-phuc-tham-vncb-tuyen-an-pham-cong-danh-va-17-dong-pham-vao-ngay-2512-post285414.info