Xứ Thanh có 8 vạn hecta luồng: [Bài 2] Năng suất và giá trị chưa đạt kỳ vọng

Giữa tháng 9/2019, Hiệp hội Tre luồng Thanh Hóa được thành lập. Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa câu chuyện nâng cao giá trị cây luồng. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, giá trị cây luồng xứ Thanh vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Rừng luồng bị suy thoái

Theo ông Hà Ngọc Thịnh, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Phú Xuân (Quan Hóa), ngoài việc vùng đất này phù hợp với cây luồng thì một trong những lý do khiến cây luồng phủ xanh vùng đất này là bởi địa hình.

Nhiều diện tích luồng tại Thanh Hóa bị suy thoái. Ảnh: Võ Dũng.

“Những vùng trồng luồng đa phần có địa hình dốc, không phù hợp với các loại cây trồng khác. Riêng ở Phú Xuân, địa hình đồi núi không có đường lâm sinh, sông ngòi cách trở, người dân ở đây không đủ điều kiện cải tạo để trồng những loại cây trồng khác giá trị cao hơn nên buộc phải trồng luồng. Cây luồng dễ khai thác và cũng dễ vẫn chuyển, dễ bán nhưng thực tế giá trị chưa cao”.

Câu chuyện này được người dân bản Bá, xã Phú Xuân minh chứng. Ông Hà Văn Thụ, trưởng bản Bá cho hay, cả bản trồng luồng nhưng việc vận chuyển hết sức khó khăn nên giá trị cây luồng bị đẩy xuống thấp.

Cây cầu dân sinh đi qua bản Bá bị lũ phá hỏng 2 năm nay không được sửa chữa. Ảnh: Võ Dũng.

“Bên kia sông, tư thương có thể mua với giá 9 trăm nghìn đồng/tấn nhưng ở bên này cách sông, qua cầu, giá trị chỉ đạt 7-8 trăm nghìn đồng/tấn. Đó là chưa kể, hai năm nay, cây cầu treo dân sinh bắc qua sông Mã bị nước lũ phá hỏng, việc vận chuyển luồng lại càng khó khăn hơn”.

Dân bản Bá cho biết, luồng sau khi khai thác sẽ được “tăng bo” qua cầu, tập kết chờ tư thương bốc đi. Sau khi cầu bị hỏng, luồng được tập kết tại bến sông, đóng bè vận chuyển qua bên kia sông. Chi phí vận chuyển tăng, lại bị động nên giá trị cây luồng bị giảm.

Địa hình cách trở, nhiều sông ngòi khiến việc vận chuyển luồng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Việc chăm sóc luồng chưa đúng kỹ thuật, trồng tự phát, khai thác không theo định kỳ cũng khiến cây luồng kém phát triển, năng suất thấp. Có hộ trồng đạt trên 30 tấn luồng/ha/năm nhưng cũng có hộ chỉ đạt 20 tấn.

“Nhiều hộ trồng luồng chỉ biết khai thác mà không hề chặt sẻ, bón phân, phân chia cự ly trồng hợp lý. Cứ túng tiền là lên rừng chặt luồng đem bán, không kể là luồng đã đủ tuổi khai thác chưa. Có thời điểm luồng được khai thác quá nhiều, cung vượt cầu, giá rẻ. Chăm sóc kém, thiếu kỹ thuật trồng lại khai thác tận thu đã khiến huyện Quan Hóa có 6,5 nghìn ha rừng luồng bị suy thoái” – ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa cho hay.

Chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 126 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể chế biến tre luồng. Tuy nhiên, các sản phẩm tre luồng của tỉnh hiện nay giá trị thấp, chủ yếu là các sản phẩm qua chế biến thô, quy mô các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, năng lực yếu kém, thiếu liên kết nên chưa mang lại sự đột phá về kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh tre luồng.

Người dân phải tập kết tại bến sông, kết thuyền chở đi bán. Ảnh: Võ Dũng.

Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến từ tre luồng đã hình thành nhưng chưa phát triển mạnh, chủ yếu là nhỏ, lẻ, chế biến nhóm sản phẩm truyền thống, chưa có cơ sở đủ mạnh đầu tư chế biến sản phẩm công nghệ cao. Tính gắn kết bền vững lâu dài giữa doanh nghiệp và hộ dân chưa cao, có đến 60% sản lượng luồng cây bán cho các tỉnh ngoài.

HTX Chế biến lâm sản Sông Mã hiện có 5 xưởng chế biến luồng với công suất trên 150 tấn nguyên liệu/ngày. Cơ sở này đang tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động với mức thu nhập ổn định bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX, do đầu ra sản phẩm hiện nay bấp bênh, đơn vị chủ yếu thu mua của người dân chứ chưa hề có một mối liên kết nào. Thời điểm này, nguyên liệu luồng đang sẵn có nhưng nếu các doanh nghiệp ngoài tỉnh phát triển mạnh thì HTX cũng đứng trước nhiều khó khăn.

Chưa có nhiều chuỗi liên kết giá trị trong trồng luồng tại Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

“Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là đũa, nan luồng, giấy cuộn vàng mã… Với công nghệ hiện nay của chúng tôi, gần như tất cả các phế phẩm của chế biến luồng đều được tận dụng để sản xuất giấy cuộn vàng mã, tránh lãng phí để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng số lượng xuất khẩu không đáng là bao. Các sản phẩm khác chỉ xuất bán thị trường trong nước, giá cả thấp, không ổn định nên không dám đầu tư mở rộng sản xuất” – ông Bình chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp chế biến tre luồng tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Điều này khiến giá trị cây luồng ở mức thấp, hiệu quả kinh tế của cây luồng vẫn chưa như kỳ vọng.

Võ Dũng – Việt Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/xu-thanh-co-8-van-hecta-luong-bai-2-nang-suat-va-gia-tri-chua-dat-ky-vong-post253046.html