Xu thế tất yếu

Làm sao để gỡ vướng về cơ chế, thúc đẩy các các cơ sở giáo dục đại học tự chủ về học thuật, tài chính, nhân sự. Đó là vấn đề được đặc biệt quan tâm trên nghị trường khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ngày 6/11.

Ảnh minh họa. Thủy Trúc

Từ thực tiễn, đây cũng là vấn đề luôn được xã hội chú ý, để nâng cao tính sáng tạo, cạnh tranh và quan trọng nhất là giúp các trường bứt phá, phát triển, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Cả nước hiện có 235 trường ĐH, khoảng 700 trường CĐ, với 73.000 giảng viên, 16.500 tiến sĩ, mỗi năm đào tạo 1,7 triệu sinh viên, cho thấy quy mô giáo dục ĐH rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhìn từ các trường ĐH đã ít nhiều thành công trong cơ chế tự chủ như Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho thấy, không phải không có những e dè khi “bầu sữa” ngân sách bị cắt giảm. Và quan trọng nhất, khi tự chủ, nhà trường phải tự tìm những nguồn thu tốt nhất và cắt giảm những hoạt động không mang lại kết quả. Song, thuận lợi mà trường có được khi thực hiện theo cơ chế tự chủ lại rất lớn. Tất cả những ràng buộc theo tính chất hành chính đã được gỡ bỏ. Trường được chủ động mở chương trình đào tạo mới, tuyển dụng giảng viên giỏi, liên kết với các trường quốc tế để đa dạng hóa sản phẩm đào tạo. Chi trả tiền lương cho giáo viên cũng theo đúng mức độ đóng góp để khuyến khích, thu hút người giỏi. Từ đó, chất lượng đào tạo của trường đã tăng lên rất rõ, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.
Do đó, việc tự chủ ĐH cũng có thể được coi là "cởi trói" cho các trường công; việc thúc đẩy nhanh tiến trình tự chủ cùng với tự chịu trách nhiệm được xem như chìa khóa để tạo nên sự đột phá về chất lượng trong đào tạo ĐH. Và những điểm mới trong Dự Luật được trình lần này nhận được sự đánh giá cao bởi những điểm mở, đã được xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng. Trong đó, có các quy định về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… đã được quy định khá chi tiết, rõ ràng và tường minh. Nếu Dự Luật được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các trường ĐH phát triển và tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ ĐH. Bởi nếu tự chủ tốt chắc chắn chúng ta sẽ phát triển được hệ thống ĐH thực chất theo đúng năng lực, chất lượng, đánh giá của xã hội, chứ không phải phát triển hệ thống giáo dục ĐH như trước đây là dựa vào ngân sách Nhà nước cấp và nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đã tốt, vấn đề còn lại là vận dụng, triển khai vào thực tiễn như thế nào, để “lý luận và thực tiễn gặp nhau” là điều cũng được đặt ra. Đúng như nhiều ý kiến đã phân tích, tự chủ không có nghĩa Nhà nước sẽ lập tức “thả” các trường cho tự bơi, việc giao cho các trường ĐH được tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư ngân sách. Nhà nước có thể đặt hàng các trường, đầu tư cho hạ tầng phát triển nghiên cứu khoa học bằng cách chi cho cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ để sử dụng chung cho các nhóm trường trong các lĩnh vực cần ưu tiên, hay đặt hàng đào tạo sinh viên theo yêu cầu, đầu tư theo nhu cầu xã hội… Cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường ĐH để có được nguồn đầu tư của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, bao cấp của Nhà nước.
Hy vọng, với những bước đầu sẽ được khơi thông từ cơ chế này, những giải pháp thấu đáo để cân bằng giữa học phí và tự chủ, làm rõ trách nhiệm giải trình để tránh tiêu cực, công bằng trong nguồn thu để cấp học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… sẽ thực sự giúp các trường thay đổi phương thức hoạt động, đào tạo theo nhu cầu mà Nhà nước, xã hội cần chứ không phải là đào tạo tràn lan như hiện nay.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-the-tat-yeu-329222.html