Xu thế xét tuyển thẳng vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước

Năm nay lần đầu tiên chứng chỉ tiếng Anh trong nước chính thức được cơ sở giáo dục đại học đưa vào.

Một buổi thi VSTEP tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Cùng với việc xét tuyển thẳng đại học bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, năm nay, lần đầu tiên chứng chỉ tiếng Anh trong nước chính thức được cơ sở giáo dục đại học đưa vào.

Trường đầu tiên tuyển thẳng thí sinh

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2022, nhà trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) để xét tuyển thẳng các thí sinh thi tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh cùng các ngành ngôn ngữ khác.

Điều kiện để xét tuyển là thí sinh có chứng chỉ VSTEP do Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức riêng dành cho xét tuyển đại học đạt trình độ từ B2 trở lên và có tổng điểm hai môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 14 điểm trở lên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Tiếng Anh, kết quả bài thi VSTEP phải đạt trình độ từ C1 (bậc 5) trở lên.

“Là đơn vị tiên phong tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ VSTEP, nhà trường đã kiểm định được chất lượng của chứng chỉ này. Việc chứng chỉ VSTEP được thừa nhận uy tín bởi trong gần 10 năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực để xây dựng bài thi theo chuẩn quốc tế. Các thầy cô đều tự hào vì hiện nay quy trình tổ chức thi, các yếu tố đảm bảo chất lượng, đặc biệt là chất lượng bài thi của Việt Nam không thua kém bài thi quốc tế”, bà Hà Lê Kim Anh chia sẻ.

Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, trong những ngày đầu sử dụng bài thi VSTEP đã có khảo sát để đối sánh. Nếu so sánh thí sinh thi IELTS với VSTEP thì kết quả không có nhiều chênh lệch. Có em, VSTEP đạt B2 (bậc 4) nhưng thi IELTS lại đạt C1 (bậc 5).

Chứng chỉ được chấp nhận rộng rãi

TS Nguyễn Thị Phương Lan - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Tin học, Học viện An ninh nhân dân - cho biết: Từ vài năm nay, kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc Việt Nam (VSTEP) được nhiều người quan tâm đăng ký dự thi. Tại Học viện An ninh nhân dân, chứng chỉ VSTEP là chuẩn đầu vào, đầu ra của sinh viên trong năm học tới.

Ảnh minh họa/ INT

Từ năm 2021 trở lại đây, Học viện tổ chức mỗi tháng từ 1 - 2 kỳ VSTEP, trong đó số lượng phục vụ cho nhu cầu xã hội chiếm từ 70 - 80%, còn lại phục vụ cho nhu cầu của Học viện. Năm học tới, khi áp dụng chuẩn đầu vào là chứng chỉ VSTEP, nhu cầu học và thi VSTEP tăng hơn nữa.

Như vậy, trong xu hướng phát triển chung về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Việt Nam, nhu cầu học VSTEP sẽ trở thành tất yếu. Theo khảo sát của Học viện An ninh nhân dân, nếu áp dụng chuẩn đầu ra bằng VSTEP, số lượng thí sinh đăng ký và dự thi sẽ lên đến 12.000 người mỗi năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn - đánh giá: Kỳ thi VSTEP trong những năm vừa qua được tổ chức khách quan nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tạo sự tin tưởng trong xã hội và người học. Những người đạt chứng chỉ VSTEP đều có năng lực thực sự chứ không đi thi kiểu “hú họa”.

Ông Hùng nêu thực tế tại Trường Đại học Quy Nhơn, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên học chuyên ngữ, Sư phạm Tiếng Anh ra trường nhưng đều chọn và IELTS, TOEIC chứ không chọn VSTEP vì để đạt được bậc 5 là rất khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, những người đạt chứng chỉ VSTEP đều có khả năng tương đương với người đạt các chứng chỉ IELTS và TOEIC.

Công tác tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dần đi vào nền nếp, ổn định, góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học và thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức giáo dục có liên quan.

Chia sẻ thông tin, ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - đồng thời viện dẫn: Tính đến tháng 9/2022, đã có 25 đơn vị đủ điều kiện thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP đã tiếp cận được với các chứng chỉ quốc tế. Cục Quản lý chất lượng đang nghiên cứu phương án công nhận chứng chỉ thi năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo Khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam để miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bà Kim Anh nhấn mạnh: Từ quá trình xây dựng bài thi đến thực hiện, tổ chức thi cùng uy tín của chứng chỉ VSTEP, có thể khẳng định đã có căn cứ đề xuất công nhận kết quả bài thi VSTEP để xét miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, cần khuyến khích các trường đại học sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào đại học.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xu-the-xet-tuyen-thang-vao-dai-hoc-bang-chung-chi-ngoai-ngu-trong-nuoc-post608403.html