Xử tội thẩm phán ra quyết định ly hôn khống nhẹ hều

(PL)- Ngày 20-10, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm nguyên thẩm phán TAND huyện Cai Lậy Đinh Xuân Tùng ra quyết định ly hôn khống giúp một đương sự có điều kiện đi lấy vợ khác. Bị cáo đã vô tư đứng chống nạnh hoặc bỏ hai tay vào túi quần khi đứng trước vành móng ngựa trả lời tòa.

Kết quả tòa tuyên miễn hình phạt, cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ một năm dù trước đó đại diện VKSND tỉnh (được VKSND tối cao ủy quyền công tố) đã đề nghị phạt bị cáo từ sáu đến 12 tháng tù treo và cấm đảm nhiệm chức vụ từ một đến năm năm. Ra quyết định ly hôn khống Theo hồ sơ, tháng 6-2001, TAND huyện Cai Lậy thụ lý đơn xin ly hôn của ông L. Vụ án được phân công cho nguyên thẩm phán Tùng giải quyết. Quá trình giải quyết vụ án, tuy chưa xét xử nhưng bị cáo đã viết biên nhận là “tòa đã thụ lý và sẽ ra quyết định ly hôn” để cho ông L. cầm đi... cưới vợ khác. Sau khi gia đình vợ mới của ông L. không chấp nhận tờ biên nhận này, bị cáo liền soạn thảo, thuê đánh máy quyết định khống công nhận thuận tình ly hôn số 42/TTLH ngày 20-8-2003 giao cho ông L. Số và ngày của quyết định trên do bị cáo tự nghĩ ra, trực tiếp ký tên, đóng dấu của tòa rồi đưa cho ông L. để ông L. tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn với vợ mới. Ngày 11-9-2003, UBND thị trấn Cai Lậy đã cấp giấy chứng nhận kết hôn cho ông L. và vợ mới. Sau đó, vợ cũ của ông L. liên tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự việc bị phanh phui và nguyên thẩm phán Tùng đã bị cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố. Được xử nhẹ hều! Theo VKSND tối cao, sai phạm của bị cáo Tùng đã tạo điều kiện cho ông L. vi phạm chế độ một vợ một chồng. Mặt khác, việc giải quyết ly hôn giữa ông L. và vợ cũ phải kéo dài từ năm 2001 đến năm 2008, trải qua nhiều cấp, nhiều lần xét xử mới kết thúc, gây lãng phí công sức, tiền bạc của các đương sự và cơ quan tố tụng. Tại phiên sơ thẩm hôm qua, TAND tỉnh Tiền Giang cho rằng bị cáo Tùng có ba tình tiết giảm nhẹ là nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự; bản thân công tác trong ngành hơn 30 năm; đã được ông L. và vợ cũ làm đơn xin miễn trách nhiệm hình sự. Từ đó, tòa chỉ tuyên miễn hình phạt và cấm đảm nhiệm chức vụ một năm đối với bị cáo về tội ra quyết định trái pháp luật theo khoản 1 Điều 296 BLHS (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm). Ngay sau khi tòa tuyên án, đại diện VKS đã bức xúc đứng dậy bỏ về để báo cáo lại lãnh đạo. Được biết, VKSND tỉnh Tiền Giang sẽ xem xét để kháng nghị bản án sơ thẩm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn tiến mới. Phiên tòa không nghiêm túc Suốt phiên xử, thẩm phán chủ tọa luôn kêu bị cáo bằng anh và xưng tôi. Đáp lại, bị cáo cũng luôn xưng tôi với hội đồng xét xử. Có lẽ thấy hội đồng xét xử thoải mái quá nên bị cáo cứ vô tư đứng chống nạnh và bỏ hai tay vào túi quần khi trả lời câu hỏi. Thẩm phán chủ tọa (phải) cúi đầu vô tư nghe điện thoại trong phiên xử. Ảnh: H.PH Đến phần luận tội, trong khi đại diện VKS đang hăng say phát biểu quan điểm, chuông điện thoại di động của thẩm phán chủ tọa đột ngột reo vang. Thay vì nghiêm túc tắt đi để đại diện VKS tập trung trình bày, vị thẩm phán chủ tọa lại ung dung cúi xuống trả lời (ảnh) làm cho người dự khán không khỏi ngạc nhiên.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=274801