Xử trí bệnh nhồi máu trĩ

Nhồi máu trĩ là sự hình thành những cục máu đông do sự phá vỡ mạch máu tại mạng mạch trĩ.

Nghiên cứu thuộc Viện Y học cổ truyền Quân đội cho thấy: những người có tiền sử thỉnh thoảng có chảy máu trĩ khi đại tiện gặp phải những ngày thay đổi thời tiết, hoặc uống rượu, hoặc lao động nặng nhọc, vận động quá mức... (gắng sức động) hoặc ngồi quá lâu như ngồi máy may, ngồi ôtô, máy bay một chặng đường quá xa... (gắng sức tĩnh), sẽ có nguy cơ cao khởi phát nhồi máu (tắc mạch) trĩ.

Các trường hợp tắc mạch trĩ ngoại: những cơn đau buốt mỗi ngày một tăng trong khoảng 3-5 ngày đầu, tiếp sau đó sẽ xuất hiện một mảng hoại tử khô trên bề mặt chỗ sưng tấy. Diện tích chỗ hoại tử loét ra và cục máu được loại ra cùng sự chảy máu, sưng đau giảm dần. Di tích nho nhỏ mà nó để lại ở hậu môn, người ta gọi là “mảnh da thừa”.

Trong trường hợp tắc mạch trĩ nội: Đau ngày một dữ dội tỷ lệ thuận với mức độ sưng nề. Các búi trĩ nội lồi sa ra ngoài, bệnh nhân không tự đẩy trở lại lòng ống hậu môn được. Dịch rỉ viêm xuất tiết ngày một nhiều cùng với sự xuất hiện của các giả mạc che phủ những đám hoại tử. Bệnh nhân mỗi lúc càng đau buốt, rát làm cho cơ thắt hậu môn càng co thắt mạnh, hậu quả là rối loạn tuần hoàn mạng mạch trĩ càng nặng nề, sưng tấy ngày một lớn khiến bệnh nhân càng đau... cứ như thế tạo ra một vòng xoắn bệnh lý hành hạ người bệnh có khi kéo dài vài ba tuần.

Xử trí bệnh

Với bệnh cảnh rầm rộ, đột ngột sưng, đau dữ dội ở hậu môn, khiến bệnh nhân lo sợ và mong được tư vấn, điều trị ngay. Nhưng do bệnh ở hậu môn nên đa số người bệnh ngại ngùng khi phải đi khám, thêm vào đó, sự sưng đau tại hậu môn khiến bệnh nhân ngồi xe khó khăn nên nhiều người tự điều trị bằng các thuốc kháng sinh (vì họ cho rằng hậu môn sưng tấy là do viêm nhiễm). Có người cẩn thận gọi dịch vụ 1080 hoặc một vài phòng khám xin được tư vấn thì đôi khi nhận được lời khuyên không đúng như: ngâm nước muối rồi đẩy vào. Kết quả là không khỏi mà theo trình tự tiến triển của bệnh cùng với sự tác động cơ học tại chỗ không đúng khiến sưng và đau tăng nặng hơn, bệnh nhân buộc phải đến khám trực tiếp tại các cơ sở y tế và khi được chuyển tới đúng các chuyên khoa hậu môn thì bệnh đã ở vào giai đoạn muộn, khiến cho việc xử trí kỳ đầu kém hiệu quả.

Gắng sức động - tĩnh đều có nguy cơ khởi phát nhồi máu (tắc mạch) trĩ.

Gắng sức động - tĩnh đều có nguy cơ khởi phát nhồi máu (tắc mạch) trĩ.

Chúng tôi không có ý định đưa ra một phác đồ xử trí nào cụ thể đối với nhồi máu (tắc mạch) trĩ, bởi vì việc xử trí được tùy chọn chỉ định với từng cơ sở chuyên khoa hậu môn, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kinh nghiệm thầy thuốc cũng như trang thiết bị của từng nơi. Sẽ chắc chắn rằng, đau và sưng nề nhanh chóng thuyên giảm ngay lần xử trí kỳ đầu nếu đã chẩn đoán chính xác. Việc chẩn đoán rất có thể nhầm với các bệnh khác ở hậu môn như: nứt kẽ hậu môn, áp-xe hậu môn... nếu thầy thuốc chỉ nghe kể bệnh mà không khám cụ thể tại hậu môn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tùy thuộc vào từng thể bệnh tắc mạch trĩ và tùy thuộc vào trang thiết bị tại bệnh viện, kinh nghiệm của mỗi thầy thuốc sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Khi có triệu chứng sưng đau hậu môn kiểu như nhồi máu trĩ, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa hậu môn để khám và xử trí càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong vòng 48 giờ đầu tiên).

Để phòng tránh biến chứng tắc mạch trĩ người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa kiểm tra ngay nếu có triệu chứng chảy máu khi đại tiện, để được điều trị sớm. Chú ý tránh hoạt động gắng sức (dù là gắng sức động hay tĩnh), cũng như hạn chế uống quá nhiều rượu bia.

TS. Phan Hoài Trung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-benh-nhoi-mau-tri-n175164.html