Xử trí khi trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ, tránh nguy cơ nhiễm trùng

Tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sẽ thuyên giảm khi bé được 1 - 2 tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết cách xử trí khi tuyến lệ con có hiện tượng tắc, tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Vì sao trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ?

Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là một dạng khuyết tật phổ biến của hệ tuyến lệ. Theo Healthine, có khoảng 5 – 10% trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng này ở cả một hoặc hai bên mắt.

Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có thể do bẩm sinh hoặc do ống lệ đạo xuất hiện màng bít trong giai đoạn vài ngày đến vài tuần sau sinh. Thông thường trước khi chào đời, ống lệ đạo đã được thông suốt để thực hiện chức năng dẫn nước mắt. Ở một số trẻ, quá trình tạo ống lệ đạo vẫn tiếp tục diễn ra trong 1 - 2 ngày đầu hoặc vài tuần sau sinh.

Có nhiều nguyên nhân khiến tuyến lệ trẻ sơ sinh bị tắc - Ảnh minh họa: Internet

Có nhiều nguyên nhân khiến tuyến lệ trẻ sơ sinh bị tắc - Ảnh minh họa: Internet

Trong một số trường hợp, màng bít lệ đạo của một số trẻ không rỗng, nước mắt không chảy xuống được khiến mắt luôn ướt, nước mắt đọng ở khe mi dẫn đến viêm kết mạc.

Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ nguyên nhân còn do hệ thống ống dẫn lệ quá hẹp, tuyến lệ bị nhiễm trùng cản trở quá trình nước mắt tiết ra và lưu thông từ mắt xuống mũi. Bên cạnh đó, chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh cũng có thể khiến tuyến lệ của trẻ sơ sinh bị tắc nghẽn.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ

Những trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ bẩm sinh, bé sẽ có biểu hiện khóc không ra nước mắt. Khi không khóc, xuất hiện nước mắt trên mi trẻ và chất nhầy tiết ra trong túi lệ.

Tắc tuyến lệ có thể khiến mắt trẻ sơ sinh đổ ghèn hoặc nguy cơ nhiễm trùng cao - Ảnh minh họa: Internet

Đối với những trẻ mắc triệu chứng tắc tuyến lệ từ vài ngày đến vài tuần sau sinh, mắt trẻ sẽ có dấu hiệu như hiện tượng nhiễm trùng. Ban đầu, mắt trẻ sẽ sưng đỏ phần góc trong mí mắt, lông mi đóng màng.

Tắc tuyến lệ một phần hoặc hai bên ở trẻ sơ sinh còn có dấu hiệu mắt đổ ghèn xanh hoặc đèn vàng, mí mắt trẻ sưng đỏ, dính vào nhau, không thể mở lên.

Xử trí khi trẻ sơ sinh bị viêm tắc tuyến lệ

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ có thể tự thông khi bé được 1 – 2 tuổi. Khi tuyến lệ có hiện tượng bị tắc, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa đồng thời có thể áp dụng một số cách xử trí đơn giản tại nhà như sau:

Vệ sinh mắt trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có hiện tượng tắc tuyến lệ, cha mẹ hãy dùng bông gạc thấm nước ấm hoặc nước đun sôi vệ sinh mắt cho trẻ từ 4 – 6 lần mỗi ngày. Khi lau mắt bé, cha mẹ chú ý loại bỏ toàn bộ ghèn mắt đồng thời tạo áp lực tại vị trí tuyến lệ và vệ sinh sạch sẽ khu vực này.

Massage tuyến lệ

Cha mẹ dùng các đầu ngón tay đã vệ sinh sạch sẽ massge tuyến lệ nhẹ nhàng từ 6 – 8 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 – 7 phút.

Cha mẹ nên vệ sinh mắt trẻ thường xuyên, tránh nguy cơ nhiễm trùng - Ảnh minh họa: Internet

Để thao tác này có hiệu quả, cha mẹ chú ý trình tự massgage từ góc trong mí mắt di chuyển xuống mũi. Massage tuyến lệ trẻ sơ sinh bị tắc sẽ tạo áp lực giúp khai thông tuyến lệ, giải phóng điểm bít tắc giúp chất lỏng lưu thông nhanh chóng.

Nhỏ thuốc, thông tuyến lệ hoặc phẫu thuật

Nếu tuyến lệ trẻ sơ sinh bị tắc và nhiễm trùng, bác sĩ kê một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ để khắc phục tình trạng này. Trường hợp trẻ sau 1 tuổi vẫn có hiện tượng tắc tuyến lệ, bác sĩ sẽ can thiệp bằng những thủ thuật như thông tuyến lệ, phẫu thuật mở rộng tuyến lệ để khai thông tuyến lệ của trẻ.

Tuệ Lâm

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/xu-tri-khi-tre-so-sinh-bi-tac-tuyen-le-tranh-nguy-co-nhiem-trung-c21a303682.html