Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu

Lần đầu tiên nghe câu ca dao: 'Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu/ Ai đi đến đó lòng không muốn về', tôi đã tự hỏi cái tên ngộ nghĩnh ấy - Truồi - có nghĩa gì không. Rồi tìm hiểu thêm mới biết, ở Thừa Thiên - Huế không hiếm những địa danh lạ tai tương tự.

Đặc sản dâu xứ Truồi. Ảnh:TTXVN

Đặc sản dâu xứ Truồi. Ảnh:TTXVN

Sử cũ ghi, Huế là do chữ Hóa đọc trại ra mà thành. Năm 1307, vua Trần Anh Tôn tiếp nhận châu Ô, châu Lý (còn gọi là châu Rí), nay là vùng đất phía nam tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam, là sính lễ mà vua Chăm Chế Mân dâng tặng khi được Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân. Vùng đất này được đổi tên thành Thuận Châu, Hóa Châu và rồi kết hợp thành phủ Thuận Hóa.

Có lẽ vì thế mà đi một vòng quanh Huế, người ta còn gặp những làng Nong, chợ Nọ, chợ Dinh, làng Sam, ngã ba Sình, chợ Sịa, Rú Chá, đầm Chuồn…

Trở lại với Truồi nhé. Làng Truồi thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm trong “tổ hợp” xứ Truồi với núi Truồi, sông Truồi, hồ Truồi – nơi có Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã… Làng quê yên bình, xưa nay nổi tiếng với nhiều đặc sản dâu Truồi, chè Truồi, mía Truồi, mít Truồi. Nhưng ngay cả những bậc cao niên ở đây cũng không cắt nghĩa được “Truồi” có nghĩa là gì, vì sao xứ Truồi lại có tên gọi đó.

Nằm cạnh làng Truồi là làng Nong (không phải “Nông”), chẳng hề có nghề đan lát nong, nia, rổ rá, dần sàng gì cả. Các nhà nghiên cứu đã từng tra cứu tự điển Hán - Nôm, Chăm Việt mà vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng. Một kiến giải có lẽ xuôi tai hơn cả là hai từ này (Truồi và Nong) có nguồn gốc từ tiếng nói của người dân tộc Pa-cô, trước đây từng cư trú trong khu vực này, nay đã di cư vào vùng sâu hơn của dãy Trường Sơn. Người Pa-cô có từ a-truôi, nghĩa là con gà. Làng Truồi là làng Gà. Thực tế, làng Truồi nằm dưới chân núi Bạch Mã, ngày xưa cũng có thể đã có nhiều gà rừng, gà gô, gà lôi… Còn Nong? Trong tiếng Pa-cô, “Tnoong” nghĩa là cái cót thóc, cái vựa, cái lẫm đựng thóc. Có thể chăng, miền quê xưa nằm bên dòng sông Truồi chảy vòng vèo từ núi Bạch Mã đến đầm Cầu Hai được thiên nhiên ưu đãi, đất đai sông nước thuận lợi nên nghề trồng lúa phát triển, thóc lúa đầy bồ (?).

Nằm ở phía Bắc của thành phố Huế, cách chừng 30km có làng Sịa, có sản vật nổi tiếng là bánh tráng và nón lá. Trong tiếng Pa-cô, Tà Ôi, Si-á nghĩa là cá. Si-á lâu ngày đọc trại đi thành Sịa (?) Nằm gần một đầm phá nước lợ giàu tôm cá, nên đặt tên làng là làng Cá thì cũng có thể lắm chứ…

Là phiếm đàm cho vui vậy, chứ dù cho những giả thuyết ấy có đúng hay không thì những tên làng ngắn gọn, nôm na dễ nhớ ấy cứ còn lưu lại mãi, cả trong tâm khảm những người xa quê lẫn những du khách chỉ một đôi lần ghé lại.

CẨM HÀ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xu-truoi-mit-ngot-thom-dau-130941.html