Xử VN Pharma: Chủ tọa lý giải đề nghị điều tra việc lộ văn bản 'MẬT' của Bộ Y tế

Trong quá trình điều tra, ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp nộp cho Cơ quan An ninh điều tra 10 tài liệu có liên quan đến nội dung Công văn 77 Bộ Y tế. Tại thời điểm đó, Công văn 77 chưa được giải mật. VKS cho rằng sự việc có dấu hiệu lộ bí mật nhà nước.

Chiều 1/10, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Minh Hùng mức án 17 năm tù, và Võ Mạnh Cường 20 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Ngoài ra HĐXX còn kiến nghị một loạt vấn đề liên quan đến ngành dược.

Hội đồng xét xử vụ án VN Pharma.

Hội đồng xét xử vụ án VN Pharma.

Lộ thông tin từ công văn chưa giải mật

Trong phần kết luận của bản án, HĐXX cho biết, tại phần tranh luận, VKS có ý kiến rằng trong quá trình điều tra ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp nộp cho Cơ quan an ninh điều tra 10 tài liệu có liên quan đến nội dung Công văn 77 Bộ Y tế. Tại thời điểm đó Công văn 77 chưa được giải mật.

VKS cho rằng ông Phương có trình bày với Cơ quan an ninh điều tra là các tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có, và ông cũng đã công khai điều này tại tòa, vì vậy sự việc có dấu hiệu lộ bí mật nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin “MẬT” của Bộ Y tế.

Ngay sau đó, VKS cho rằng cần kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

Về kiến nghị này, HĐXX không cho biết sẽ kiến nghị như đề xuất của VKS, mà chỉ chuyển yêu cầu trên cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Ngô Nhật Phương khẳng định những tài liệu đã giao cho Cơ quan điều tra đều do ông được phía Ấn Độ cung cấp để làm rõ nguồn gốc lô thuốc H-Capita. Ông phủ nhận việc liên quan và biết các tài liệu trong văn bản Mật của Bộ Y tế.

Giá thuốc nhập khẩu bị nâng khống

Cũng trong phần kết luận, Chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết qua vụ án HĐXX nhận thấy có hiện tượng các công ty nhập khẩu dược phẩm nâng khống giá thuốc thông qua các hợp đồng nhập khẩu, sau đó nhận lại các khoản tiền này qua các công ty chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và sử dụng vào việc cạnh tranh trong thị trường dược phẩm.

“Việc làm này làm cho giá của các loại thuốc nhập khẩu có tình trạng cao hơn thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là lao động nghèo” – bản án nêu, từ đó, HĐXX đề nghị Bộ Y tế có biện pháp rà soát lại giá để điều chỉnh đúng với giá trị và chất lượng thực sự của thuốc.

Cũng theo HĐXX, việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng về pháp lý, khiến các đối tượng dễ dàng lợi dụng để nhập khẩu hoặc sản xuất thuốc kém chất lượng đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, một số cán bộ, nhân viên trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế, mà chỉ làm việc mang tính đối phó. Điển hình là việc hồ sơ kỹ thuật thuốc vẫn còn hiện tượng thuê viết, trong khi việc này phải do nhà sản xuất thực hiện và tuân theo một quy trình chặt chẽ.

“Cần đề nghị Cục Quản lý Dược rà soát lại quy định, quy trình cấp phép, khắc phục các lỗ hổng pháp lý để không còn xảy ra trình trạng tương tự vụ án này trong tương lai” – HĐXX nhấn mạnh.

Ngoài mức án tù nêu trên, HĐXX cũng buộc bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma) liên đới nộp lại số tiền 4,4 tỷ đồng theo tỷ lệ mỗi bị cáo 50%. Riêng bị cáo Võ Mạnh Cường phải nộp lại số tiền 2,09 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được chuyển vào Ngân sách Nhà nước.

Mỗi bị cáo trong vụ án cũng phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, đồng thời có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày 2/10.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/xu-vn-pharma-chu-toa-ly-giai-de-nghi-dieu-tra-viec-lo-van-ban-mat-cua-bo-y-te-post314926.info