Xử vụ bé trai Gateway: Bất ngờ lời khai 2 nhân chứng

Theo lời khai của hai học sinh ngồi cạnh cháu Long, thời điểm lên xe, hai cháu có thấy Long ngủ.

Mâu thuẫn

Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ bé trai Lê Hoàng Long (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo, Trường Gateway) tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway diễn ra vào sáng ngày 14/1/2020, HĐXX đã công bố lời khai của hai cháu bé là người đi cùng xe với cháu Long hôm xảy ra sự việc.

Theo thông tin trên báo VietNamNet, cả hai cháu bé đều khai, thấy cháu Long ngủ trên xe.

Theo lời khai của một trong 2 cháu bé, khi cháu xuống xe, cháu Long vẫn ngủ. Khi chuẩn bị lên xe ra về, thấy thiếu bạn Long, tất cả chờ 10 phút vẫn không thấy Long đâu. Khi lên xe, cháu bé thấy Long nằm bất động, đầu hướng ra ngoài. Sau đó, có người bế Long xuống xe.

Trong khi trả lời tại tòa, bị cáo Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh Trường Gateway) cho rằng, khi lên xe cháu Long vẫn thức, khỏe mạnh bình thường, cháu không buồn ngủ.

Cũng theo lời khai của bà Quy, bà được lãnh đạo Công ty Ngân Hà thuê đi đưa đón học sinh với mức lương 2,8 triệu đồng/tháng.

Hàng ngày, bà Quy có nhiệm vụ đưa đón 13 học sinh tại các điểm đón. Sau khi đến trường, người phụ nữ đưa học sinh lên nhà ăn ở tầng 2 rồi xuống tầng 1 ký sổ.

Bị cáo Nguyễn Bích Quy tại tòa. Ảnh: VNN

Theo bà Quy, trước khi bắt đầu công việc, bà không được trường tập huấn công việc đưa đón học sinh. Còn Công ty Ngân Hà chỉ hướng dẫn sơ qua, không chỉ cách cụ thể phải đưa đón ra sao.

Ngược lại với lời khai của bà Quy, ông Lê Đoàn (Phó giám đốc Công ty Ngân Hà) cho biết, công ty ký hợp đồng thuê xe đưa đón học sinh với trường Gateway từ năm 2018. Bà Quy làm việc khoảng 10 ngày cuối năm 2018-2019 và sau đó xin tiếp tục làm việc trong năm học 2019-2020.

Theo ông Đoàn, Trường Gateway tổ chức tập huấn cho lái xe và người đưa đón nhưng hôm đó ông Doãn Quý Phiến (tài xế lái xe đưa đón học sinh Trường Gateway), bà Quy đều không đến. Nhận thấy việc này là quan trọng, ông Đoàn sau đó gọi điện thoại cho bà Quy trao đổi về quy chế mới của năm 2019 và đưa lịch trình đưa đón học sinh.

Trong quy chế mới có quy định "nếu để quên học sinh dưới 10 phút thì người đưa đón sẽ bị nhà trường phạt một triệu đồng". Ngoài bà Quy, ông Đoàn cũng đại diện công ty trao đổi với ông Phiến và tất cả nhân viên về công việc phải làm trong năm học mới.

Tài xế 'thấy xe nóng hầm hập'

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Phiến khai: Mới lái xe cho Công ty Ngân Hà được ngày thứ 2, có ký hợp đồng. Nhiệm vụ của bị cáo là lái xe đến các điểm để bà Quy đưa đón học sinh.

Theo lời khai của ông Phiến, chỉ có 1 danh sách để đi theo cung đường với các địa chỉ, chứ không biết có bao nhiêu học sinh, cháu nào nghỉ, cháu nào đi học.

Hôm xảy ra sự việc, bị cáo thực hiện đúng chức năng của lái xe, không kiểm tra lại xe. Khi về bãi, bị cáo không kiểm tra lại xe, chốt cửa rồi ra về.

Trong xe có gương chiếu hậu, nhưng không bao quát hết được học sinh trên xe vì thành ghế cao. Bị cáo cũng ít dùng gương chiếu hậu, chỉ khi lùi xe mới dùng, bình thường chỉ nhìn gương chiếu hậu bên ngoài.

Bị cáo Phiến. Ảnh: VNN

Cũng theo bị cáo Phiến, trưa ngày xảy ra sự việc, tại bãi đậu xe ở Ký túc Học viện Báo chí và Tuyên truyền không có mái che, nên nhiệt độ trong xe rất nóng. Toàn bộ các cửa kính, cửa ra vào trên xe đều đóng, nên nhiệt độ càng lúc càng tăng.

Ông Doãn Quý Phiến khai: "Khoảng hơn 15h, bị cáo từ nhà ra bãi xe để đánh xe ra trường đón các cháu về. Khi lấy xe, bị cáo nổ máy hai ba phút, bật điều hòa rồi đi thẳng ra trường. Lúc lên xe, bị cáo thấy xe nóng hầm hập, vì chỗ đậu xe không có mái che. Nhưng bị cáo cũng không kiểm tra xem trong xe có gì bất thường".

Ông Phiến cho rằng: Trong ý thức, ông chỉ nghĩ mình đơn thuần có nhiệm vụ lái xe, đi đúng giờ, đúng cung đường. Còn việc kiểm soát học sinh là nhiệm vụ của bà Quy và các cô giáo.

Cũng trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thủy (30 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Gateway) khai: Năm học 2018 - 2019, bị cáo được phân công làm chủ nhiệm lớp 1 tokyo với 17 học sinh. Đầu năm học, bị cáo có được tập huấn về sổ tay giáo viên chủ nhiệm, được tập huấn cập nhật phần mềm Sycamore.

Buổi sáng xảy ra sự việc, bị cáo không thấy cháu Long nên xác định cháu nghỉ học không phép. Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm phải liên lạc với phụ huynh nhưng bị cáo đã không làm.

Bố bé trai đòi bồi thường 1 tỷ đồng

Trà lời trước tòa, anh Lê Văn Sơn (bố cháu Long) cho rằng, sự việc xảy ra với cháu Long là oan nghiệt, rất nhiều uẩn khúc và nhiều vấn đề không được rõ ràng sáng tỏ.

“Gia đình chúng tôi chưa cảm nhận được vấn đề gì sáng tỏ. Trong bản cáo trạng này chúng tôi thấy rất sơ sài, tòa chưa chỉ rõ được những sai phạm, đề nghị quý tòa xem xét”, anh Sơn nói.

Về trách nhiệm dân sự, đối với Trường Gateway và bị cáo Nguyễn Thị Thủy, anh Sơn không yêu cầu trách nhiệm.

Đối với những bị cáo còn lại và bên liên quan, anh Sơn đề nghị phải bồi thường dân sự 1 tỷ đồng.

Anh Sơn cho rằng, cái chết của cháu Long có rất nhiều uẩn khúc nên gia đình phải làm nhiều thủ tục tâm linh, gia đình không muốn liệt kê ra đây.

Anh Lê Văn Sơn và vợ tại tòa. Ảnh: VNN

Nếu so với chi phí thực tế, con số yêu cầu bồi thường, gia đình anh Sơn đã đưa ra con số hạn chế. “Đưa ra mức bồi thường đó để các bị cáo thấy hậu quả nghiêm trọng mà các bị cáo đã gây ra”, lời anh Sơn.

Về trách nhiệm hình sự, theo đề nghị của anh Sơn, các bị cáo đã gây ra cái chết oan nghiệt, nhiều uẩn khúc, mang đến cho gia đình anh những đau thương tột cùng, đề nghị HĐXX xử các bị cáo nghiêm minh, rõ ràng, đúng người, đúng tội, tương xứng với hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đau thương.

Đối với bị cáo Thủy, anh Sơn cho rằng, cô giáo chủ nhiệm đã mắc rất nhiều thiếu sót, thiếu trách nhiệm khi trong suốt thời gian từ 7h sáng đến 16h chiều ngày 6/8/2019, sự việc xảy ra nhưng không báo cho nhà trường.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/xu-vu-be-trai-gateway-bat-ngo-loi-khai-2-nhan-chung-3395160/