Xuân ấm áp cho những mảnh đời bất hạnh

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy Trung tâm dạy nghề nhân đạo của thầy Trần Duyên Hải tại số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội), nơi được xem là mái ấm tình thương từng cưu mang hàng chục nghìn người có số phận bất hạnh.

(TNO) Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy Trung tâm dạy nghề nhân đạo của thầy Trần Duyên Hải tại số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội), nơi được xem là mái ấm tình thương đã từng cưu mang hàng chục nghìn người có số phận bất hạnh.

Được thành lập từ sau năm 1975, Trung tâm dạy nghề nhân đạo của thầy Hải (gọi tắt là Trung tâm) đã gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí trầm trọng. "Thậm chí, có lúc cái máy bơm nước hỏng mà không thể kiếm đâu ra tiền để sửa", thầy Hải nhớ lại những ngày đầu khó khăn.

Hiện nay, trên diện tích khuôn viên 200 m2 đất với gần 700 m2 sàn sử dụng, Trung tâm đã trở thành mái ấm của khoảng 135 em nhỏ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hay bị bố mẹ bỏ rơi, đó là chưa kể đến những người lớn làm thuê tại TP.Hà Nội nhưng không có chỗ ở.

Ngoài việc chăm lo nơi ăn chốn ở cho mọi người tại đây, Trung tâm còn chăm lo cả việc dạy nghề, học văn hóa và giới thiệu việc làm cho những học sinh đã trưởng thành.

Thầy Hải nhẩm tính, từ khi thành lập cho tới nay, Trung tâm đã giúp hàng nghìn các em cơ nhỡ trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, và hàng chục nghìn người không nơi nương tựa cũng đều được cưu mang, giúp đỡ tại đây.

Ba cha con “người rừng” Sùng A Páo có lẽ là nhân vật điển hình nhất tại Trung tâm của thầy Hải. Trước kia, họ sống trong một hang đá như thời nguyên thủy trên vùng núi cao của xã Mông n, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Sùng A Páo có đến 3 đời vợ nhưng rồi cuối cùng vẫn lại bơ vơ cùng hai đứa con nhỏ. Đứa lớn Sùng A Lự 7 tuổi, còn đứa nhỏ hơn chỉ mới 3 tuổi. Cuộc sống thời “tiền sử” của họ dường như sẽ vẫn tiếp nối từ ngày này qua ngày khác nếu như một ngày trong tháng 10.2011 thầy Hải không đọc được bài báo trên tờ Cảnh sát toàn cầu.

Cha con Sùng A Páo tại Trung tâm

Thầy Hải tâm sự: “Đọc xong bài báo ấy, trong tôi có hai nỗi day dứt lớn. Đầu tiên là khi biết cha con họ phải chịu đói rét trong 3 ngày liền mà không có gì để ăn, cũng không có quần áo mặc. Và nỗi day dứt thứ hai là khi chứng kiến cậu bé Sùng A Lự mới 7 tuổi mà hằng ngày đã phải vác trên lưng gánh củi nặng gấp 3-4 lần trọng lượng cơ thể để đi bán, đổi lấy 10.000 đồng. Vậy là ngay ngày hôm sau, tôi cùng ban lãnh đạo trung tâm quyết định làm cuộc hành trình dài sáu ngày lên tận nơi ở của cha con Sùng A Páo để đón họ về Trung tâm, với mong muốn thay đổi cuộc sống cho họ".

"Giờ đây, sẽ chẳng còn ai nhận ra họ là người rừng nữa.", thầy Hải cho biết.

Cậu bé Sùng A Lự vui vẻ khoe với Thanh Niên Online rằng: “Ở đây thích lắm, được ăn no lại còn được học lớp một nữa, em đã biết đọc chữ rồi nhé”.

Nhìn ánh mắt trong veo của cậu bé, tôi biết rằng Trung tâm của thầy Hải đã giúp 3 cha con họ có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Cạnh đó, tại Trung tâm, hoàn cảnh của 3 anh em bé Đông cũng đáng thương không kém. Cả 3 anh em đều bị người cha đánh đập đến mức bị thần kinh, người em gái út bị nhẹ nhất cũng không thể phát triển trí óc bình thường như bao đứa trẻ khác. Chưa hết, rất nhiều nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình cũng được yêu thương, đùm bọc tại Trung tâm.

Tại Trung tâm, các em được học nghề chính là may cũng như học văn hóa do các bạn sinh viên tình nguyện "đứng lớp".

Trong năm 2011, niềm vui ở Trung tâm này cũng không hề ít khi Trung tâm đã tổ chức đám cưới cho 8 đôi uyên ương. Cùng mang những thân phận bất hạnh, rồi cùng được cưu mang tại đây, họ đồng cảm và yêu thương nhau, và Trung tâm đã se duyên cho họ nên vợ nên chồng.

Mọi người trong Trung tâm đều trầm trồ thán phục: “Hiếm có được người nào như thầy Hải lắm. Cái tâm của thầy sáng như ngọc. Giờ đã bước qua tuổi 60 nhưng dường như thầy vẫn còn nhiều tâm huyết lắm bởi thầy từng nói đến bao giờ trên đất nước này còn những mảnh đời bất hạnh thì chừng ấy thầy vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm và cưu mang họ".

Được biết, bên cạnh thầy Hải, còn có rất nhiều cá nhân, cơ quan tổ chức luôn ủng hộ và giúp đỡ vật chất, kinh phí cho Trung tâm.

Dịp xuân Nhâm Thìn này, những em nào có quê hương, có gia đình thì sẽ về quê ăn tết, còn những em nào không có gia đình, người thân thì cũng được đón một cái tết Nguyên đán đầy ấm áp tại Trung tâm, thầy Hải nói.

Hoài Thu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/xuan-am-ap-cho-nhung-manh-doi-bat-hanh-437053.html