Xuân Minh bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử

Xã Xuân Minh (Thọ Xuân) có 13 di tích được công nhận Cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, là cái nôi cách mạng của tỉnh, đỉnh cao là thời kỳ 1930-1945. Cho đến nay, những di tích lịch sử ấy được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị và trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống yêu nước của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Đình làng Phong Cốc - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn xã Xuân Minh.

Đình làng Phong Cốc - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn xã Xuân Minh.

Chúng tôi tìm về xã Xuân Minh trong những ngày đầu tháng 5, một vùng quê yên bình nằm bên tả sông Chu. Vốn là mảnh đất văn vật trong lịch sử, nơi hình thành những giá trị văn hóa lâu đời. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Xuân Minh thể hiện lòng trung kiên với Đảng, bền bỉ chịu đựng trước sự đàn áp dã man của giặc. Chính quyền thực dân coi vùng đất này là “sào huyệt cộng sản”, là “trung tâm sự chống đối và lật đổ Chính phủ”, do đó chúng đã tập trung lực lượng, nhằm khống chế và dập tắt phong trào cách mạng ở đây, chúng cho xây dựng đồn bốt kiên cố, điều đến những tên ác ôn tàn bạo nhất trong vùng, cùng với một lực lượng tinh nhuệ để đàn áp, bắt bớ những chiến sĩ cộng sản. Đã có hàng chục ngôi nhà bị chúng tháo dỡ làm đồn bốt, hàng trăm con trâu, bò, lợn bị tịch thu, hàng chục tấn lương thực bị chúng chiếm đoạt, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng bị địch bắt, tra tấn, giam cầm... song người dân Xuân Minh vẫn bám đất, bám làng xây dựng phong trào cách mạng.

Cho đến nay, một trong những niềm tự hào của người dân Xuân Minh đó là đình làng Phong Cốc. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, ghi dấu một thời kỳ hào hùng của cách mạng Xuân Minh, như: Đêm 4-5-1930, cuộc họp kín gồm 10 đồng chí chuyển hóa từ hoạt động Tân Việt sang hoạt động cộng sản; trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), đây là nơi vận động, tuyên truyền giác ngộ quần chúng; giai đoạn 1944-1945 là nơi tiến hành các công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa cướp chính quyền, đồng thời là trụ sở của Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Minh - Nghĩa; năm 1946, đình là nơi đặt máy in tiền của Chính phủ; giai đoạn 1947-1952 là xưởng quân nhu của bộ đội...

Trong suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, không chỉ riêng đình làng Phong Cốc mà nhiều nơi khác trên mảnh đất Xuân Minh đã trở thành địa điểm quan trọng trong việc khôi phục, thành lập các tổ chức cách mạng của tỉnh Thanh Hóa như: nhà ông Nguyễn Xuân Thúy; nhà ông Nguyễn Văn Hồ; nhà ông Nguyễn Xuân Oanh; nhà ông Đỗ Huy Trinh; nhà ông Đỗ Huy Kính; nhà ông Đỗ Huy Trai; nhà ông Trịnh Văn Phan; nhà thờ Cố Chủy; địa điểm vườn trầu; đồn Phong Cốc; Mả Nung và đình làng Xá Lê.

Với truyền thống cách mạng và những đóng góp to lớn của Xuân Minh trong giai đoạn lịch sử 1930-1945 đã góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới. Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng kỷ niệm chương “Bằng có công với nước” cho ba làng: Phong Cốc, Thuần Hậu và Xá Lê; 51 gia đình được tặng Bằng có công với nước; 97 lão thành cách mạng; ngày 23-7-1993 Cụm di tích lịch sử xã Xuân Minh vinh dự được công nhận là Cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia gồm 13 điểm. Đây là minh chứng cho mảnh đất anh hùng trong kháng chiến của đất và người Xuân Minh.

Ông Trịnh Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho biết: “Trong suốt những năm qua, Cụm di tích lịch sử xã Xuân Minh luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị. Hiện đã có 6/13 di tích được đầu tư, đặt bia dẫn tích; công tác tu bổ, tôn tạo cụm di tích được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên, kịp thời. Cùng với đó, các nhà trường trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Qua đó niềm tự hào về ông cha, về truyền thống cách mạng quê hương được bồi đắp và nhân lên trong thế hệ con cháu. Truyền thống ấy còn là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân xã Xuân Minh tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Với nhận thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của các di tích lịch sử đối với sự phát triển của quê hương, thời gian tới, xã Xuân Minh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử địa phương. Mặt khác phát huy giá trị di sản như: các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống gắn với lễ hội tại các di tích... qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử bền vững trong tương lai.

Bài và ảnh: Hoài Anh

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Lịch sử xã Xuân Minh).

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/xuan-minh-bao-ton-va-phat-huy-nbsp-gia-tri-di-tich-lich-su/27379.htm