Xuân Quê hương đến hẹn lại lên!

Chương trình Xuân Quê hương năm nay tiếp tục là một điểm hẹn thường niên của hàng nghìn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới tại quê nhà đúng dịp Lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu kiều bào làm lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long, Xuân Quê hương 2022. (Ảnh: Duy Quang)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu kiều bào làm lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long, Xuân Quê hương 2022. (Ảnh: Duy Quang)

Đã nhiều năm, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020-2022, chương trình Xuân Quê hương vẫn được duy trì liên tục dưới nhiều hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, để không lỡ hẹn với cộng đồng người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về…

Điểm hẹn ngày Xuân

Có thể cảm nhận được rõ tình cảm và sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho Xuân Quê hương khi năm nào chương trình cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con về nước tham dự lễ dâng hương, thả cá chép, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giao lưu nghệ thuật.

Bước sang năm 2023, Xuân Quê hương có một khí thế mới khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tiếp tục là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới nhằm kết nối kiều bào với quê hương. Chương trình được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau gần ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đã ổn định trở lại.

Trong điều kiện thuận lợi đó, việc tổ chức chương trình Xuân Quê hương 2023 thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho bà con kiều bào, động viên đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phấn đấu lao động, học tập, đoàn kết xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, vững mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, chương trình cũng là dịp quan trọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước bày tỏ sự trân trọng, đánh giá tích cực về những đóng góp chân thành, đáng quý của đồng bào ta ở nước ngoài dành cho nhân dân trong nước trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đây cũng là dịp để các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như đối với công tác này.

Với họa sĩ Văn Dương Thành, Việt kiều Thụy Điển, mỗi lần được hòa mình cùng bà con kiều bào tham dự chương trình Xuân Quê hương và đón Tết cổ truyền với người thân, bà đều có cảm xúc háo hức, đón chờ như lần đầu tiên.

Dù các kiều bào về từ các nước, địa bàn khác nhau, nhưng nữ họa sĩ tin tưởng rằng cộng đồng người Việt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi cùng nhau hướng về cội nguồn. Đặc biệt, bằng việc kết nối những giá trị văn hóa và tinh thần, tình đoàn kết giữa người Việt trong và ngoài nước, đất nước có thể hướng tới một tương lai hạnh phúc và thịnh vượng hơn.

Không gian ấm áp của chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tinh thần “khát vọng hùng cường”

Mỗi năm, cứ chuẩn bị tới dịp Tết cổ truyền, anh Lê Quang Vinh, kiều bào Việt Nam tại Đức, lại chờ đón Xuân Quê hương - một chương trình đầm ấm tình quê, để mỗi dịp đi xa trở về hoặc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới đều nhớ về quê hương.

Năm nay cũng vậy, khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của quê hương, anh Vinh không giấu được sự vui mừng và xúc động. Điều anh ấn tượng nhất là toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị đã cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và đến nay đã có những thành quả nhất định và đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Theo anh, những người con xa quê hương luôn ghi nhớ mình là con Lạc, cháu Hồng, cũng như luôn hướng trái tim và tấm lòng, cùng đồng hành với những khó khăn và chia sẻ những thắng lợi của đất nước.

Chia sẻ về nét mới của Xuân Quê hương năm nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng cho biết, chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” của chương trình nhằm hưởng ứng tinh thần “khát vọng hùng cường” mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Chủ đề cũng thể hiện niềm tin của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, điều hành, quản lý và phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Mai Phan Dũng nhấn mạnh: “Niềm tin của bà con còn thể hiện ở sự đoàn kết, thống nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm, sẻ chia của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước đối với kiều bào ở nước ngoài và ngược lại.

Đặc biệt, tinh thần “niềm tin và khát vọng” càng thể hiện rõ nét hơn trong bối cảnh đất nước đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Niềm tin, sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiều bào kết tinh thành khát vọng của dân tộc về một đất nước phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc”.

Bên cạnh các hoạt động chính như hàng năm, Xuân Quê hương 2023 còn có một số hoạt động bên lề ý nghĩa dành cho kiều bào như tọa đàm của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội với Đoàn kiều bào tiêu biểu về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chương trình Hội chợ Xuân “Happy Tết 2023” với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội; chương trình giao lưu tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Mai Phan Dũng cho biết trong những năm qua, hàng loạt nghi lễ cung đình đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tái hiện, nhất là những nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán. Những hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học và đẩy mạnh nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể lễ hội cung đình, làm sống lại hồn cốt của văn hóa cung đình Thăng Long.

Do đó, năm nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó có Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, tổ chức nghi lễ thả cá chép tại Ao Sen-dấu tích hồ cổ trong Hoàng thành Thăng Long. Nghi thức truyền thống thiêng liêng này tại Thủ đô Hà Nội thể hiện sự trân trọng và lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của cha ông ta.

AN LÊ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuan-que-huong-den-hen-lai-len-213143.html