Xuân Quỳnh và những trang nhật ký xé trăm lần lại viết

Có lẽ, lúc sinh thời, Xuân Quỳnh cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ xuất bản những trang viết riêng tư, và thật ra chỉ dành cho một người, hôm nay lại được xuất bản thành sách.

“Có con thì thế nào tôi không hình dung nổi…” [9.10.1965]
“Càng ngày, thai càng đạp mạnh” [2.12.1965]
“Bàn đẻ bên cạnh, mấy người đẻ đã ra rồi. Có chị đẻ bốn cậu mà dễ như chơi. Chả có ai đau khổ như mình. Thật là một cực hình” [27.4.1966]
“Đêm, mình cứ lắng nghe bên phòng nhi, nghe tiếng trẻ con khóc để đoán xem tiếng khóc nào là tiếng khóc của con mình” [Chiều 27.4.1966]
“Mình lo vì tiêm kháng sinh mà sữa nó không về. Hôm nay là ngày thứ bốn rồi mà vẫn không thấy sữa xuống, vắt mãi mới có một ít sữa nhựa chuối” [1.5.1966]
“Hôm nay máy bay Mỹ rít ở trên đầu, vào lúc 3 giờ chiều. Mẹ đang đi làm phải chạy về cho bà và con xuống hầm” [13.12.1966]

Những dòng nhật ký trên, trích ra từ cuốn Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của nữ sĩ Xuân Quỳnh, vừa được xuất bản nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của bà - 6.10.2022.

Tập sách chắt chiu từ di cảo của nhà thơ. Những thư từ, nhật ký và ghi chép đã tái hiện lại một cuộc đời đầy yêu thương, nhưng cũng trăn trở, lo âu trước hiện tại. Nhiều năm sau ngày Xuân Quỳnh qua đời, tình yêu thương lẫn nỗi ưu tư đó vẫn còn đủ sức lan tỏa cho độc giả hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, thế hệ sinh trưởng trong một thời đại quá xa xôi so với Xuân Quỳnh.

Hai tập sách mới ra mắt nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh: CTV

Chiếm phần lớn dung lượng sách là những trang nhật ký viết cho con trai đầu Tuấn Anh, từ lúc Xuân Quỳnh có dấu hiệu mang thai, đến khi con chào đời. Những ghi chép tỉ mỉ về tâm trạng khi biết mình làm mẹ, trong quá trình mang thai thì xa chồng, sinh nở khó khăn, đau đớn, những lo âu, lẫn hạnh phúc khi nhìn đứa con mới chào đời…

Xuân Quỳnh đã biến những trải nghiệm cá nhân của mình trở thành trải nghiệm chung của hàng tỷ bà mẹ trước Xuân Quỳnh và hàng tỷ bà mẹ sau Xuân Quỳnh. Những trải nghiệm lặp lại, trở thành ký ức tập thể nhưng đồng thời còn có tính lịch sử, một lịch sử riêng, đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam, mà một người mẹ Việt Nam tên Xuân Quỳnh đã trải qua, đã ghi lại, để trao cho con mình như trao báu vật gia truyền.

Có lẽ, lúc sinh thời, Xuân Quỳnh cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ xuất bản những trang viết riêng tư, và thật ra chỉ dành cho một người, hôm nay lại được xuất bản thành sách. Có lẽ đối với nhà thơ nhật ký, sổ ghi chép như một thư phòng bà dựng lên để lưu lại ký ức cá nhân.

Bút tích của Xuân Quỳnh.

Độc giả rón rén bước vào căn phòng riêng tư ấy, e sợ va vấp phải những tình cảm thầm lặng như sợ quệt tay trúng chiếc bình hoa để trên bàn, khiến nó rơi xuống đất. Nhưng ngay cả khi bình hoa ấy vỡ tan thành muôn mảnh, trong thế giới của Xuân Quỳnh, với “bàn tay em ngón chẳng thon dài” vẫn có thể gắn chúng lại được. Dĩ nhiên, có vết sẹo đấy, nhưng trông vẫn là bình hoa.

Đọc Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn, dù là nhật ký, ghi chép, hay thư từ, có cảm giác Xuân Quỳnh vẫn luôn là người cố gắng chắp nối, hàn gắn những vụn vỡ, gìn giữ, nâng niu những yên bình bé nhỏ, con con của một đời người.

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: TLGĐ

Ở những ghi chép trong những năm chiến tranh ác liệt Xuân Quỳnh cũng thế, gom góp những hy sinh cá nhân dễ khuất lấp giữa những đại ngôn. Những cái tên Xuân Quỳnh nêu trong sách, những hành động quả cảm, những mất mát thầm lặng được bà ghi chép lại, tất cả những điều bình thường và những người bình thường mà sử sách chẳng mấy khi nhớ tuổi ghi tên, nhờ những ghi chép của Xuân Quỳnh mà thành một bức tiểu họa thời chiến. Những cuộc đời cá nhân giữa lòng đất nước, trong một giai đoạn khó phai mờ.

Xuân Quỳnh và con trai Tuấn Anh. Ảnh: TLGĐ

Nhưng dĩ nhiên, khi nói đến cuộc đời Xuân Quỳnh, sẽ không trọn vẹn nếu không nhắc về Lưu Quang Vũ. Những bức thư trao đổi giữa vợ chồng nhà thơ in trong tập sách này không nhiều. Dù vậy, từng chữ, từng dòng vẫn cho ta thấy một tình yêu lớn, thiết tha, mà cũng dung dị, như biết bao đôi vợ chồng khác trong những năm đất nước gian khó, đã cố gắng sống, cố gắng làm việc và yêu thương nhau bằng tình yêu chân thành.

“Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người” - Lưu Quang Vũ đã viết như thế trong bức thư gửi Xuân Quỳnh đề ngày 5.6.1976. Thơ ca của hai vợ chồng, dường như đi theo cái “tôn chỉ” ấy, mãi sống để viết “về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”.

Những mong ước giản dị và thành thật mà nhiều khi dành cả đời cũng không thể làm được. Như trong bức thư ngày 7.11.87, Lưu Quang Vũ viết: “Bây giờ làm được việc tốt gì cho bạn, cho mọi người thì phải cố mà làm em nhỉ. Từ tuổi bốn mươi trở lên là bạn bè, người thân sẽ cứ rơi rụng và rồi sẽ đến lượt mình. Anh nghĩ vậy nên cố sống thật hiền hòa, thanh thản và cố sức viết, tuy vậy vẫn lười lắm và thấy mình chưa làm được bao nhiêu”.

Xuân Quỳnh trong dịp hội ngộ nhà văn Azit Nexin. Ảnh: TLGĐ

Chưa đầy một năm sau bức thư này, hai vợ chồng cùng con nhỏ qua đời trong một tai nạn giao thông. Xuân Quỳnh sắp 46 tuổi. Lưu Quang Vũ mới 40. Sinh mệnh tác giả đã dừng lại, nhưng sinh mệnh tác phẩm vẫn tiếp diễn, như câu thơ Xuân Quỳnh “tự hát”:

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Tám mươi năm ngày sinh Xuân Quỳnh, ngoài Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn, một tuyển tập thơ và truyện viết cho thiếu nhi của bà Trời xanh của mỗi người cũng vừa được NXB Kim Đồng phát hành, với phần trình bày mỹ thuật đẹp mắt. Tác phẩm của bà đã tìm được một đời sống bền bỉ, dài lâu. Những tác phẩm viết về cái thường hằng, đôi khi bị bỏ quên, kháng cự lại sự xô bồ của cuộc đời, của thời gian. Và cứ như thế, Xuân Quỳnh đã viết, viết như một sự thôi thúc. Viết cho mọi người hay viết cho mình, dẫu chắc hẳn có đôi khi chính bà cũng từng trải qua cảnh “trang nhật ký xé trăm lần lại viết” bởi vì “tình yêu nào cũng tha thiết như nhau”. Để thế hệ hôm nay biết “có một thời như thế”.

Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh

Hai câu thơ “trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” và “trang nhật ký xé trăm lần lại viết” cũng trích từ bài thơ Có một thời như thế của Xuân Quỳnh. Một thời bà đã yêu, đã sống và đã viết. Viết, như chồng bà, Lưu Quang Vũ trong một bức thư đã hỏi cả hai: “Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?”

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xuan-quynh-va-nhung-trang-nhat-ky-xe-tram-lan-lai-viet-37090.html