Xuân sắc gương quê

Tết năm nay chắc là to và vui lắm. Con cháu, họ mạc đi làm ăn khắp mọi miền hay tận những đất nước xa xôi trở về nhiều hơn mọi năm. Tàu xe nhiều hơn, đặc biệt là các hãng hàng không tăng máy bay, tăng chuyến gấp đôi, gấp ba ngày thường. Người nông dân rời quê khoác áo công nhân, nhân viên dịch vụ hay sinh viên về quê bằng máy bay. Chẳng gì bằng sum vầy, đoàn tụ sau một năm trời vất vả, xa cách.

Ngày sát Tết, tôi tha thẩn cùng mấy nhóm người về quê sớm trên triền đê sông Thao. Những tiếng chào hỏi người trên đê, người dưới đồng lao xao nghe thật quê:

- Năm nay bà cấy giống gì đấy?

- Cấy cái giống “treo niêu” ông ạ!

Bà bá Hiền ở khu bên cạnh nhà anh họ tôi tính khí cứ vui như thế. Chính bà hôm qua đã trả lời chị hàng xóm đến xin mấy tàu lá chuối bằng câu vần vè: “Cây sống nhờ lá, cá sống nhờ nước”. Chị hàng xóm toét miệng cười vừa buông lời xin lỗi vừa cám ơn bà.

Cái làng Vũ Ẻn hay tên chữ là Vũ Yển quê ngoại tôi vốn xửa xưa vẫn hay nói chữ, nói vần vè, lề thói nó đẻ ra tên làng hay tên làng đẻ ra lề thói? Theo các cụ giảng giải, Vũ Yển mang nghĩa ẩn võ hưng văn. Mà chẳng phải riêng làng quê Vũ Yển, khắp đất nước này làng quê nào chẳng hưng văn sau những mùa đánh giặc. Có nói vần vè, nói lái, nói trạng, lẩy Kiều…, có ứng đối thi ca mới sản sinh ra dân ca xoan ghẹo miền Phú Thọ, quan họ miền Kinh Bắc, ví giặm, hát văn, chèo, ca trù, then lượn vùng Tày-Nùng, hò Huế, hò Đà Rằng (Phú Yên) cùng đủ thứ hò hát đờn ca tài tử miệt sông nước Cửu Long… Vịn vào dân gian, dân ca mà yêu thương an ủi nhau qua những thiếu thốn, khổ đau, mà cùng nhau vượt qua mọi sóng gió cuộc đời. Nhiều người nước ngoài đã ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam ta hay nói vần điệu, thích đọc thơ, làm thơ. Một dân tộc chiến sĩ và thi sĩ là vậy, luôn lạc quan yêu đời, trọng nghĩa khí.

Thuyền hoa xuân trên bến Bình Đông (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TRUNG TRỰC.

Thuyền hoa xuân trên bến Bình Đông (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TRUNG TRỰC.

Giống những ông bà bủ, bá quê ngoại tôi, ở một làng quê Thanh Hóa kia có bà tuổi đã 83 mà kiên quyết làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà tên Đỗ Thị Mơ, một thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 66 năm trước. Hình ảnh bà Mơ đạp chiếc xe đạp trên sân khấu cùng những lời tâm sự thật thà, hóm hỉnh đã làm dậy sóng truyền hình, truyền cảm hứng đến người dân cả nước. Bà bảo: Tôi vẫn đi xe đạp vèo vèo, sức khỏe tốt, nhà nuôi bốn-năm chục con gà, không còn nghèo nữa. Và những câu thơ mộc mạc của bà gửi tới nhân dân cả nước mới vui, mới tự tin làm sao: “Quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo/ Bởi trong xã hội còn nhiều cưu mang/ Bao người chất độc da cam/ Bao người khuyết tật còn mang trên mình/ Bao hồn liệt sĩ hy sinh/ Để cho đất nước thanh bình hôm nay”.

*

* *

Tết này, ở làng tôi sau ngày Mồng Một thăm thú chúc Tết các nhà là những ngày hò hét bên sân bóng chuyền hơi, cả già cả trẻ; là những đêm sân kho, sân đình, sân ủy ban trở thành sân khấu. Các ông bà bủ, bá sáu mươi, bảy mươi tuổi cùng cầm micro đơn ca, đồng ca cùng con cháu. Riêng bà bá Hiền “cấy giống treo niêu” thì có niềm vui cũng khác người bởi cái lối ăn nói đối ứng tắp lự thẳng thắn của bà đã nhiều phen giúp làng đâu ra đấy. Anh chị nào làm đường nông thôn mới mà cẩu thả, mà tơ hào ít xi măng, cát sỏi là bà cùng các nhóm giám sát phát hiện và có ý kiến ngay. Làng tôi yên ả nhiều phần bởi việc gì đã thông là mọi người đều chung sức chung lòng.

Sông Thao nước đục người đen

Ai về Vũ Yển thì quên đường về

Lời xưa ấy nay đã nhẹ đi nhiều phần bởi làng nay không còn cảnh trên bến dưới thuyền, người người xuôi ngược đen đặc như xưa (chữ “đen” trong câu ca nghĩa là đông người tụ hội chứ không phải là da đen như có người hiểu sai). Những đường mới và cả đường cao tốc cùng những cây cầu lớn qua sông Thao đã bỏ qua ngôi làng nhỏ này. Không còn buôn bán, những cơ sở công nghiệp nhỏ cũng đã nhường bước cho các doanh nghiệp, nhà máy lớn, hiện đại ở các vùng khác, Vũ Yển trở thành làng đồng áng, bãi bồi nghèo và thưa vắng dần. Dân làng dù chỉ làm nông và một số nghề phụ nhưng vẫn khá giả, lại được con cháu đi làm xa gửi tiền về nên gương mặt nông thôn mới đã hiển hiện cả từ gần chục năm trước. Đương nhiên có khá mấy thì cả làng cũng chịu bằng lòng khi Vũ Yển không thể sánh cùng bao làng quê khác. Quy luật phát triển thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu đã và sẽ làm cho nhiều vùng quê, nhiều cái tên làng mới nổi lên. Tôi đã đi qua những làng triệu phú, tỷ phú ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Những vùng trồng hoa trái Đồng Tháp, Tiền Giang… những vùng nuôi tôm, nuôi cá ba sa miệt An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Tôi đã đến các làng bản Sơn La, Hưng Yên, Nghệ An giàu lên vì nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả. Tôi đã đến được những làng “ngàn tỷ” bởi trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) hay các làng nghề Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc, Quất Động… Có nghề lại tiện đường đi lối lại, giỏi làm du lịch, đó là những “doanh nghiệp ngàn tỷ”, những tấm gương quê bình dị mà kỳ thú. Mấy năm nay, khi nghề chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ nổi lên thì ngay ngoại thành Hà Nội đây lại đã có thêm những “làng ngàn tỷ” mới. Đó là làng nghề mộc Hữu Bằng (Thạch Thất) có doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức) vượt qua mốc 2.000 tỷ đồng của Bát Tràng để đạt doanh thu 2.850 tỷ đồng. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tiếp sức, khơi động và đưa kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn nước ta phát triển cả về chiều sâu, chiều rộng. Thủ đô Hà Nội vừa phát huy truyền thống Kẻ Chợ kinh doanh buôn bán vừa thúc đẩy thế mạnh của số lượng làng nghề, làng có nghề lên đến 1.350 làng, nhiều nhất cả nước, đưa lại tổng doanh thu năm 2018 lên 20.000 tỷ đồng.

Đào Nhật Tân trên phố Hàng Lược (Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY.

Không chỉ các làng nghề, các vùng nông thôn Hà Nội bây giờ không thể đếm được số lượng làng xã trồng trọt, đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta cùng số trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá… thu hoạch nhiều trăm triệu. Các xã, huyện ngoại thành Hà Nội cũng như nhiều huyện, tỉnh trong cả nước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao đã và sẽ đem lại những kinh nghiệm quý và tạo động lực cho những làng quê cả nước, trong đó có làng quê ngoại tôi xây dựng cuộc sống mới ngày mỗi xanh tươi, tốt đẹp hơn. Tôi tin như thế bởi dân mình ở đâu cũng chịu thương chịu khó, bởi Đảng, Nhà nước bao giờ cũng lo nghĩ tìm cách tốt nhất để người dân làm chủ quê hương của mình.

*

* *

Sau một năm ngập tràn niềm vui mà cũng không ít nỗi truân chuyên, mất mát, cái Tết to Canh Tý này sẽ mở ra một năm mới vững vàng hơn, tươi tắn hơn. Nông thôn mới là không dừng lại, mạch phát triển đi lên toàn diện của đất nước là không ngừng. Những nỗi lo về xâm nhập mặn ở Nam Bộ, về một mùa khô khát trên cả nước đã hiển hiện, song những lời giải trước mắt và lâu dài đã hình thành và từng bước được cả nước chung lưng đấu cật thực hiện.

Phố biển Đà Nẵng nhộn nhịp chợ hoa xuân. Ảnh: TIẾN DŨNG.

Tết năm nay cái rét tràn về miền Bắc, miền Trung, mong chỉ một chút mát lành cũng sẽ tới phương Nam để trong ấy bớt đi cái nóng. Tết lạnh mới là Tết cho hoa tươi thắm, cho cỗ bàn đoàn tụ, gặp gỡ thêm đầm ấm vui tươi. Và dường như Tết lạnh báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa.

Tùy bút của MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xuan-sac-guong-que-608514