Xuân sớm trên rẻo cao Bá Thước

Cuối tháng 12, trời lất phất mưa khiến tiết trời càng thêm lạnh giá tuy nhiên với bà con người Thái, Mông, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xuân đã đến thật gần. Cuộc sống phía trước dù vẫn còn nhiều gian khó nhưng Tết này với đồng bào dân tộc ở xã Kỳ Tân sẽ là Tết của đoàn viên, Tết của ấm no và ấm áp trong những ngôi nhà đầy nghĩa tình.

Ngôi nhà mơ ước của vợ chồng ông Vinh.

Tết “đầu tiên” của ông Vinh

Vừa trải qua đợt điều trị bệnh dài ngày ở bệnh viện đa khoa ung bướu Thanh Hóa, bệnh tình chưa thuyên giảm nhưng được trở về nhà với ông Hà Văn Vinh ở thôn Pạt, xã Kỳ Tân vẫn là một điều hạnh phúc nhất. Mắc chứng bệnh tiểu đường 13 năm với những biến chứng nguy hiểm, cuộc sống ông giờ chỉ đếm theo ngày nhưng với ông, Tết này sẽ là một cái tết trọn vẹn niềm vui.

Đưa bàn tay với những ngón tay khô gầy xoa nhẹ lên lớp tường vẫn còn ngai ngái mùi vôi, sơn ông mỉm cười bảo: Nhà của tôi đấy, Tết này tôi và mẹ con nó đã được ở trong căn nhà bê tông vững chãi. Không còn những nơm nớp lo âu về những cơn mưa, những trận bão khi mùa về nữa. Tôi có ra sao cũng an lòng…Nói tới đây ông khẽ khàng đưa vạt áo che mắt như thể che đi những giọt nước mắt như trực rơi xuống.

Thấy chồng xúc động, bà Phạm Thị Hoa vợ ông Vinh vội ra đỡ chồng đặt ông nằm xuống giường rồi thở dài kể: Từ lúc sinh ra hai vợ chồng đã sống trong nghèo khó, lúc ở với bố mẹ nhà cửa cũng không có đến khi lấy nhau sống với nhau gần hết quãng đời cũng không xây nổi cho mình căn nhà. Thế nên với hai vợ chồng căn nhà này là một tài sản vô giá, nó không chỉ che nắng, che mưa mà nó còn là căn nhà của giấc mơ được ấp ủ từ thuở thơ bé của hai vợ chồng bà.

Rồi bà bảo bằng tuổi này rồi mà cái nghèo cứ đeo bám vợ chồng ông bà. Hai đứa con đứa nào cũng hiếu thảo nhưng cũng nghèo giống như bố mẹ. Cô con gái lớn đi lấy chồng thì chồng rượu chè, cờ bạc giờ một mình một nách hai con. Cậu con trai út dù đã 30 nhưng vẫn không dám lấy vợ vì nhà nghèo. “ Lúc trẻ ông ấy chỉ lo đi làm thêm, kiếm tiền nên dù biết bị bệnh vẫn không dám đi chữa trị vì sợ tốn tiền. Đến khi đau quá không chịu được đi khám thì đã quá nặng. Năm nay thời gian vợ chồng tôi sống ở viện nhiều hơn ở nhà. Cứ nghĩ cuộc đời ông ấy sẽ cứ thế mà quay quắt ra đi nhưng thật may mắn được sự hỗ trợ của Tập đoàn công nghiệp viễn thông Viettel chúng tôi đã có được căn nhà bao năm mơ ước” – bà Hoa kể.

Từ số tiền hỗ trợ ban đầu của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel (50 triệu đồng) bà Vinh vay thêm từ họ hàng và ngân hàng chính sách cất được ngôi nhà khá vững chãi. Ngôi nhà vợ chồng bà tuy không được rộng, đồ đạc bên trong vẫn trống hoác nhưng với vợ chồng bà đó là một căn nhà ấm áp đầy nghĩa tình.

Niềm vui của bà con Kỳ Tân

Qua ngôi nhà vợ chồng ông bà Vinh Hoa là ngôi nhà gỗ liêu xiêu nằm lọt thỏm giữa hàng cây của gia đình chị Lương Thị Thái. Chưa đến 40 tuổi nhưng chị già nua, khắc khổ vì cuộc sống mưu sinh. Trong căn nhà nhỏ ọp ẹp không có tài sản gì quý giá ngoài chiếc vô tuyến cũ được tặng và mấy bộ quần áo nhàu nhĩ, cũ kỹ treo ở tường.

“Ruộng ít lại không có nghề phụ nên chồng phải đi làm thợ hồ ở tận Hải Phòng để có tiền cho con trai lớn học trường nghề. Ở nhà tôi và đứa con gái 4 tuổi sống dựa vào 2 sào ruộng nên bữa cơm hàng ngày cũng chỉ quanh đi quẩn lại rau và cà muối. Cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm nhưng sang năm thôi chắc chắn sẽ thoát khỏi hộ nghèo” , chị Thái dí dỏm kể.

Với bà Mến tết này không còn phải lo ăn tết xa nhà vì đi chữa bệnh như mọi năm.

Không đợi chúng tôi phải hỏi chị đưa chúng tôi xuống phía vườn bảo: Bò của Viettel hỗ trợ đấy, sắp đẻ rồi tầm này sang năm là có con bê con. Trong nhà có được đàn gà đã quý thế mà giờ tôi sắp sửa có hẳn một cặp bò. Nói rồi chị cười, nụ cười không thật duyên nhưng ẩn chứa một niềm hạnh phúc về một tương lai sẽ không còn nghèo phía trước.

Là một xã miền núi lại không có nghề thủ công nên đời sống của đồng bào dân tộc ở xã Kỳ Tân vô cùng khó khăn. Tổng dân số của xã có 4054 người nhưng có tới 500-600 lao động phải đi làm ăn xa. Cũng vì cuộc sống còn nghèo nên với người dân ở đây đi kiểm tra và khám sức khỏe thường rất ít được quan tâm. Nhất là khi trạm xá xã thì xuống cấp, trang thiết bị lại thiếu thốn trong khi tuyến huyện cách thôn, bản cả một ngày đi đường.

Thấy được những khó khăn đó của người dân xã Kỳ Tân, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã hỗ trợ xây Công trình Trạm y tế xã Kỳ Tân. Theo đó Trạm y tế xã có tổng khuôn viên rộng gần 500 m2, kiên cố với 2 tầng, 13 phòng (trong đó có 5 phòng lưu trú bệnh nhân) với đầy đủ các phòng chức năng quan trọng để tổ chức khám chữa bệnh tuyến đầu và các công trình phụ trợ liên quan một cách tốt nhất.

Là người gắn bó với Trạm y tế xã suốt 15 năm, bác sỹ Hà Thị Dung không giấu được niềm vui chia sẻ: Cuộc sống người dân ở đây còn rất nhiều gian khó nên cũng thiệt thòi rất nhiều khi ốm đau, bệnh tật. Trước kia mỗi lần nhìn người dân đến khám bệnh, những bệnh mình đủ khả năng chữa mà không chữa được vì thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng không đáp ứng xót xa lắm. Nhưng giờ có trạm xá mới, có đủ trang thiết bị thiết yếu như máy siêu âm, máy đo nhịp tim, điện áp chắc chắn việc chăm sóc và chữa bệnh cho người dân sẽ đạt hiệu quả hơn.

Vừa trở về nhà sau đợt điều trị dài ngày ở tuyến huyện vì bệnh dính ruột nhưng bà Ngân Thị Mến vẫn nhất quyết bảo cậu con trai lớn đưa ra trạm xá xã để khám. Nhìn trạm xá khang trang, vững chãi bà móm mém cười. Dù không nói ra nhưng từ nụ cười ấy ai cũng có thể thấy với bà Mến và bà con xã Kỳ Tân từ giờ chặng đường đi khám sẽ không còn xa và vất vả như trước nữa.

19 triệu đồng/năm là tổng thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Kỳ Tân trong năm 2018. Nhìn vào con số ấy cũng đủ thấy cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gian khó, thiếu thốn như nào. Nhưng chắc chắn Tết này sẽ là tết đoàn viên, tết no đủ của không ít bà con xã Kỳ Tân nhờ có sự hỗ trợ, đóng góp kịp thời của xã hội.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/xuan-som-tren-reo-cao-ba-thuoc-tintuc426340