Xuân về làng Túc với nghề điêu khắc 'cha truyền - con nối'

Đặt chân đến làng Túc, tiếng đập của dùi, tiếng chàng đánh vào đục… cứ như một bản hòa ca trầm bổng vang vọng cả một vùng quê bên dòng sông Nhuệ với nghề điêu khắc truyền thống hàng trăm năm.

Xuất phát từ quận Hà Đông, chạy theo đường 21B, đến làng Bình Đà rẽ trái đi thêm chừng 5km, chúng tôi đến thôn Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để được hòa mình vào mùa xuân an lạc của những bức tượng Phật Di Lặc, Bát Tiên, La Hán, Quan Công…

Đặc biệt hơn cả, bằng cái tâm và tài hoa của mình, người thợ làng Túc đã biến những gốc cây vô tri thành bản sắc cõi Phật và truyền cho những thế hệ sau tinh hoa, hồn cốt của làng nghề truyền thống.

Đình thờ ông tổ nghề mộc với kiến trúc độc đáo

Ông Đỗ Tiến Dựng (sinh năm 1949), Thủ từ đình Dư Dụ cho hay: “Đình làng Dư Dụ được xây dựng vào thời nhà Lê, nơi đây thờ vị thành hoàng làng là Quý Minh đại vương và ông tổ nghề mộc Lỗ Ban. Do đó, người dân làng Túc đều lấy đó làm thời gian hình thành và phát triển của làng nghề điêu khắc Dư Dụ”.

Theo ông Đỗ Tiến Dựng, đình Dư Dụ lại được đặt nhìn theo hướng Đông Bắc, trái ngược với nguyên tắc hướng kiến trúc xây dựng cổ truyền là hướng Đông Nam.

Theo ông Đỗ Tiến Dựng, đình Dư Dụ lại được đặt nhìn theo hướng Đông Bắc, trái ngược với nguyên tắc hướng kiến trúc xây dựng cổ truyền là hướng Đông Nam.

Trái ngược với nguyên tắc hướng kiến trúc xây dựng cổ truyền là hướng Đông Nam, thì đình Dư Dụ lại được đặt nhìn theo hướng Đông Bắc. Ông Dựng lý giải: “Việc xây dựng đình theo hướng Đông Bắc là hợp lẽ với phong thủy. Bởi lẽ, phía trước ngôi đình là dòng sông Nhuệ được coi là giao thông trọng điểm trong vùng lúc bấy giờ được chảy từ trái qua phải. Bên ngoài đình là cây đa già tỏa bóng trên mái đình tạo ra một hình ảnh quen thuộc về làng quê Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ”.

Trải qua quá trình tu sửa vào đầu thế kỷ XX, đình Dư Dụ hiện có 5 gian 2 trái đầu hồi bít đốc (những họa tiết ấn tượng, đẹp mắt, cửa thoáng trang trí ở đỉnh – đuôi mái tường).

Rồng tại đình hiện lên với tư thế có chút ngẩng đầu, mũi hếch, răng nhe, miệng ngậm hạt ngọc tròn...

Bằng chính công sức và bàn tay tài hoa của những người thợ trong làng đã tạo nên một tổng thể nghệ thuật trang trí trên kiến trúc dày đặc, phong phú ở các đầu dư và cốn mê ở các gian. Trên mỗi đầu dư đều được tạc hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên với kỹ thuật chạm nổi, bong kênh tinh xảo.

Tài hoa người thợ tạc quên “dâu bể”

Mỗi người con của Dư Dụ sinh ra dường như đều được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo. Chỉ bằng chiếc đục, chiếc chàng mà những bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, con rồng uốn lượn, Phật Di Lặc từ bi… có hồn cứ thế hiện đẹp đến ngỡ ngàng, cô đọng cả thời gian và không gian.

Làm nghề theo hình thức "cha truyền con nối" nên người dân ở đây, từ trẻ nhỏ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, "đẽo" cái hoa tay của mình để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, họ đã gắn trọn đời mình với chàng, với đục.

Theo cha và ông nội học nghề từ năm 10 tuổi, đến nay anh Nguyễn Đức Duy (sinh năm 1977) đã có thể mở một xưởng mộc cho riêng mình, tiếp thu tinh hoa từ đời trước và tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương và các tỉnh đến theo học nghề.

Anh Duy chia sẻ: “Trẻ em ở làng Dư Dụ cứ lên 10 đã bắt đầu được truyền nghề và 3 năm sau sẽ được gọi là thợ nhỏ (tức phó nhỏ). Khi đã thuần thục và có khả năng tư duy sáng tạo tốt hơn mới được coi là thợ chính thức (thợ bạn). Muốn trở thành phó ba, phó hai rồi phó cả (người thợ cả) là cả một quá trình làm nghề lâu năm với tay nghề cao, đường vẽ chuẩn, từng nét chạm phải sắc và cầu kỳ tinh xảo đến từng chi tiết. Trải qua được lần lượt từng giai đoạn như vậy, người thợ mới có thể tự tin nhận việc và chỉ đạo thợ làm cho mình”.

Anh Nguyễn Đức Duy trong quá trình điêu khắc tượng phật.

Những nét mực được phó cả vẽ tạo hình vào khúc gỗ tùy theo kích thước của sản phẩm. Công đoạn tiếp theo được gọi là đục đất, người thợ sẽ đục các phần gỗ thừa giống như bản vẽ thiết kế. Tưởng chừng là công việc ai cũng có thể làm được, nhưng nếu không cẩn thận sẽ khiến các công đoạn sau mất thời gian hơn rất nhiều.

“Đục sai một lỗi nhỏ thôi thì đến khâu đục thành chi tiết càng mất công, có khi phải bỏ đi cả sản phẩm vì không đúng yêu cầu. Nếu mới vào nghề, người thợ sẽ chú ý lựa chọn thớ gỗ để loại bỏ phần thừa. Điều này giúp gỗ không bị vỡ cả khối hoặc đục quá sâu vào gỗ”, anh Duy bật mí.

Trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được.

Trong tiếng đục, tiếng khoét lách cách ấy còn hiện lên trước mắt chúng tôi về hình ảnh một người phụ nữ đã gắn bó hơn 30 năm với nghề, đó chính là chị Nguyễn Thị Vòng (sinh năm 1973). Với chị Vòng, bàn tay tài hoa của người thợ Dư Dụ đã tạc quên đi những “dâu bể” của cuộc sống, khắc cả hơi thở cuộc sống vào từng thớ gỗ.

Chỉ tay về hướng bức tượng Đức phật Di Lặc, chị Vòng nói: “Nụ cười của tượng Phật tựa như mùa xuân an lạc, không phải tự nhiên mà nụ cười đó lại có thể xuất hiện trên đôi môi ông, nụ cười ấy là thành quả từ những giọt mồ hôi, sự lao động miệt mài và tài hoa của người thợ Dư Dụ. Nụ cười đó còn là nhịp cầu về sự lạc quan nối từ quá khứ đến tương lai”.

Với chị Vòng, bàn tay tài hoa của người thợ Dư Dụ đã tạc quên đi những "dâu bể" của cuộc sống, khắc cả hơi thở cuộc sống vào từng thớ gỗ.

Chị Vòng tâm sự: “Mỗi đường nét sắc cong được chạm vào cũng chính là nhịp sống mà người Dư Dụ mong muốn. Trên khúc đó có thể là ước nguyện chưa hoàn thành, cũng có thể là mơ ước về một cuộc sống sung túc và có cả những nhọc nhằn, vất vả được khéo léo đưa vào cõi tâm linh qua từng bức tượng”.

Nhìn vào những sản phẩm của Dư Dụ, chúng tôi mới hiểu phần nào lời tâm sự của người đàn bà làm nghề hơn 3 thập kỷ. Từ Bộ Tam đa khắc họa về cuộc sống mà con người mơ ước, đến Phật Tổ Như Lai vẻ mặt khoan thai, từ bi hay đôi rồng uốn lượn thân mình trên viên dạ minh châu sáng lấp lánh.

Không đứng ngoài cuộc chạy đua với thời cuộc, người thợ Dư Dụ đã đưa máy móc vào hỗ trợ sức người.

Không đứng ngoài cuộc chạy đua với thời cuộc, người thợ Dư Dụ đã đưa máy móc vào hỗ trợ sức người, thay thế những công đoạn thủ công tốn nhiều thời gian. Các loại máy tiện, máy CNC, máy cưa đã hỗ trợ rất nhiều giúp người thợ Dư Dụ nâng cao tay nghề vào nét chạm. Từ chỉ sản xuất các loại gỗ quý hiếm thì nay sản phẩm của làng Túc cũng dần đáp ứng nhu cầu của thị trường như gỗ: Pơmu, trắc, mít, xà cừ…

Hiện nay ở làng Dư Dụ, hơn 90% người dân làm nghề điêu khắc, và nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra đến đâu là đưa đi tiêu thụ đến đó. Tin rằng khi nghề truyền thống của Dư Dụ được truyền lại theo cách “cha truyền - con nối” sẽ giúp làng Túc ngày càng vươn xa hơn nữa.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/xuan-ve-lang-tuc-voi-nghe-dieu-khac-cha-truyen-con-noi-718335