Xuân về, trải nghiệm vùng văn hóa người Dao ở Huổi Só

Ai đã đến hoặc từng nghe kể về Tây Bắc đều mong ước có một lần đặt chân tới xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vào dịp cuối năm, khi những bông hoa Ban đầu tiên xòe cánh bừng nở, thắp sáng cả núi rừng giữa những ngày Đông rét mướt, để được chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp kỳ ảo, nguyên sơ cảnh bản làng người Dao ẩn hiện dưới chân núi trong màn sương giăng, bên dòng sông Đà kỳ vĩ.

Đến đây, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa đậm đặc vùng miền của những nghi thức tín ngưỡng dân gian được bao thế hệ người Dao bảo lưu, trao truyền và thể hiện trong những ngày Tết đến, Xuân về; được tiếp cận với người vùng cao hồn hậu, chất phác và tìm hiểu những nét đẹp trong đời sống thường ngày, cũng như những giá trị văn hóa giàu tính tư duy, triết lý nhân sinh.

Thắm sắc hoa đào vùng cao. Ảnh TTXVN

Trong những điều giản dị để làm nên một Huổi Só thật trữ tình, cuốn hút đến lạ lùng ấy, nét độc đáo của bánh chưng đen của người Dao nơi đây cũng là một điều kỳ thú để du khách tìm hiểu và thêm yêu mảnh đất nằm dọc dài dòng sông Đà này.

Về tiểu vùng văn hóa ngành Dao bên dòng sông Đà

Huổi Só - theo tiếng Dao có nghĩa là “khe suối”, miền đất thuộc vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) gần 50km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 200km.

Để đến được xã Huổi Só - 1 trong 2 xã của huyện Tủa Chùa có sông Đà chảy qua, xuất phát từ Mường Báng, phải vượt gần 20 km đường đèo để đến trung tâm xã Xá Nhè; tiếp tục men theo sườn núi hướng Đông Bắc, đi cắt dãy núi Tả Hủ Tráng bằng đường Tủa Thàng - Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10 km nữa, chúng tôi mới tới được Huổi Só.

Hành trình này, chúng tôi đã xuyên suốt trục dọc của tiểu vùng văn hóa người Dao ở huyện Tủa Chùa - nơi được mệnh danh là “tiểu Hà Giang thứ 2 của Tổ quốc” với cao nguyên đá nằm ở các xã Sính Phình, Tả Phìn…

Xét trên phương diện địa lý, Huổi Só là vùng đất đặc biệt, có vị trí là vùng tiếp giáp “ngã ba sông Đà - ngã ba tam tỉnh”, gồm: xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và xã Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La).

Huổi Só có diện tích tự nhiên hơn 6.200 ha, núi đá chiếm đến 60% diện tích; toàn xã có hơn 2.500 nhân khẩu thuộc hai cộng đồng dân tộc chính là Mông và Dao, sinh sống ở 9 bản; trong đó cộng đồng dân tộc Dao chiếm hơn 75% với hơn 440 hộ.

Trong 9 bản của xã Huổi Só thì 5 bản có diện tích tiếp giáp dọc lưu vực sông Đà trên suốt chiều dài hơn 30km. Bản xa nhất của xã Huổi Só là Huổi Lóng, nơi có người Dao sinh sống đông nhất so với các bản còn lại với hơn 170 hộ, gần 900 nhân khẩu.

Bản Huổi Lóng cũng là nơi duy nhất có chợ phiên tổ chức 4 phiên/tháng trên sông Đà với vô số hàng hóa, nông sản được vận chuyển bằng thuyền bè về đây tập kết, bán buôn.

Theo người xưa kể lại, những người Dao đầu tiên đi tìm nơi dựng bản cho dòng tộc mình, tới nơi đây khi phát cỏ cây vô tình đánh rơi chiếc bao đựng dao xuống suối, lúc nhặt lên thì cá đã chui đầy bao; khi đó vùng đất này cũng có những cây mía dài tới 10 gióng.

Nhận định vùng đất này giàu tiềm năng, sức sống có thể nuôi sống được dòng tộc và người Dao quyết định dừng lại nơi đây. Những cư dân đi khám phá vùng đất mới thuộc dòng tộc người Dao quần chẹt đã vượt dòng sông Đà lắm thác ghềnh để khai sơn lập địa, sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất Huổi Só cho đến ngày nay đã trải qua 6 đời.

Dòng sông Đà chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử thiên di của người Dao quần chẹt, đến nay vẫn cần mẫn chắt chiu từng hạt phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, bãi bờ dọc hai bên. Sông Đà ngày nay, sắc nước đã không còn đỏ ngầu tung bọt trắng xóa vào mùa mưa lũ nữa.

Từ năm 2011, khi Thủy điện Sơn La dẫn dòng, đóng đập tích thì nước mặt sông không còn sóng dữ cuộn trào, ngược lại đó là sự phẳng lặng, hiền hòa, trong xanh suốt tháng, suốt mùa. Đối với người Dao ở Huổi Só, sông Đà là nhân chứng đã chảy qua một miền huyền thoại, biết bao hoài niệm, những mối tình lãng mạn và chứng kiến biết bao sự đổi thay của vùng đất này.

Theo các già làng, trưởng bản ở Huổi Só, trước đây người Dao ở Huổi Só tự nhận mình là người Dao Lẻn Tẻn (“Lẻn Tẻn” có nghĩa là “Chàm” và Dao Lẻn Tẻn là người Dao mặc quần áo nhuộm chàm). Chiếc quần của đồng bào Dao trước đây ống rộng, ngắn trên mắt cá chân.

Từ những năm 1970, do có sự giao thoa văn hóa giữa các ngành Dao trong khu vực Tây Bắc, người Dao Lẻn Tẻn ở đây đã cải biên chiếc quần của mình thành ống nhỏ, dài đến mắt cá chân và tự gọi mình là Dao quần chẹt.

Con đường đi qua các bản nằm dọc ven sông Đà đã cho chúng tôi vô vàn những khám phá, trải nghiệm thú vị. Đó là nhịp sống, sự đổi thay của bản làng tái định cư của cộng đồng dân tộc Dao tại các bến sông tấp nập thuyền bè cập bến, ngược xuôi trên sông Đà.

Riêng tại bản Tênh Phông, lưu vực sông Đà vặn mình, lấn sâu vào nội địa tạo nên vùng “vịnh” nhỏ, nước màu xanh thẳm; cây cầu treo Pa Phông bắc qua vùng “vịnh” tạo một điểm nhấn cho khung cảnh thiên nhiên hòa hợp, kỳ vĩ. Hai bên cầu treo là những vách đá dựng đứng, cao ngút tạo nên một kiệt tác thiên nhiên hiếm có.

Tại đây, với khí hậu mát mẻ, địa chất, địa mạo độc đáo đã quần tụ, hình thành nên một vùng có đa dạng sinh học độc đáo. Tại các bản Huổi Ca, Huổi Lóng, chúng tôi được hiểu đôi nét về cấu trúc nhà truyền thống của người Dao.

Ngày nay, nhà sàn của người Dao có kiến trúc gần giống với nhà sàn của dân tộc Thái trắng, có ba đến bốn gian, hai gian đầu hồi có cửa ra vào; tầng 2 của nhà sàn có lan can đằng trước hoặc xung quanh nhà, không gian lan can sẽ được gia chủ đặt, treo các loại chậu để trồng các loại cây gia vị như: Ớt, tỏi, hành, gừng, giềng, sả… Đặc biệt, xung quanh nhà người Dao được xếp đá và rào bằng những cây gỗ lớn chắc chắn.

Tại cửa ngõ đi vào bản Huổi Lóng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp từng nhóm phụ nữ người dân tộc Dao đang xúng xính trong bộ trang phục truyền thống được thêu bằng chỉ đỏ, chỉ xanh và đính các dải tua se bằng sợi tơ tằm màu hồng ở cổ, buông xuống tôn thêm sắc hồng tươi tắn cho gương mặt người phụ nữ; cổ áo và tay áo được may viền vải màu tím. Ngoài ra, các chị em còn đội khăn vuông vải đen, đeo các loại trang sức như khuyên tai, vòng tay, vòng cổ…

Ông Tẩn A Sái, ở bản Huổi Lóng, cho biết: Người phụ nữ Dao vừa là đối tượng phản ánh cái đẹp, vừa là chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa trang phục của dân tộc mình; trang phục truyền thống còn thể hiện bàn tay lao động khéo léo, cần mẫn, óc sáng tạo phong phú, tâm hồn lạc quan, yêu đời, trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng. Tất cả đều gửi gắm qua chất lượng vải, lối tạo dáng trang phục qua sắc mầu, từng đường kim mũi chỉ góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Dao.

Độc đáo bánh chưng đen

Trải qua bao năm, cộng đồng dân tộc Dao ở Huổi Só đang gìn giữ, bảo lưu gần như vẹn nguyên những thiết chế bản làng, những tập tục văn hóa cổ truyền độc đáo. Đặc biệt, đối với mỗi gia đình người Dao ở Huổi Só, bánh chưng đen là loại bánh đặc trưng, không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ngoài ý nghĩa cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, bánh chưng đen còn thể hiện tấm lòng biết ơn, hiếu thuận của người đang sống tới ông bà, tổ tiên của người Dao. Cái độc đáo ở bánh chưng đen của người Dao quần chẹt là ở chất liệu tạo màu đen của bánh.

Khác với một số loại bánh chưng đen của các dân tộc ít người khác, lấy màu đen cho bánh từ màu gạo nếp cẩm, hoặc nhuộm nếp làm bánh từ than gỗ cây núc nác, bánh chưng đen của người Dao ở Huổi Só tạo màu đen cho bánh từ chính tro của thân rơm nếp đốt lên.

Ông Lý A Ngắm, bản Thôn 2, xã Huổi Só, cho biết: Tết của người Dao ở Huổi Só trùng với thời gian Tết của người Kinh. Tục làm bánh chưng đen của dân tộc Dao do cha ông truyền lại, đã có từ rất lâu rồi. Bánh làm ra có màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm; màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người. Tết của người Dao không thể thiếu bánh chưng đen là vì những ý nghĩa nhân văn cao đẹp đó.

Cũng theo ông Lý A Ngắm, kinh tế trồng trọt là yếu tố quyết định sự tồn tại của người Dao. Cây trồng chủ yếu của đồng bào thường canh tác trên nương rẫy một vụ là các cây lúa, ngô. Từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, người Dao đi phát nương, đốt nương, dọn nương và chọc lỗ, tra hạt. Tháng 9, tháng 10 thì thu hoạch lúa nương.

Để có được nguyên liệu làm bánh chưng đen, người Dao phải “trù liệu” từ tháng 4, bắt đầu đi chọc lỗ, tra hạt trên nương rẫy. Tuy diện tích nương rẫy khan hiếm, nhưng người Dao luôn dành ra một diện tích vừa đủ để trồng loại lúa nếp rất ngon, được chọn lọc kỹ càng từ mùa vụ trước. Khi thu hoạch thì dùng liềm cắt về, gạo lúa nếp sẽ được sử dụng làm bánh, phần rơm khô vàng óng sẽ được dùng để đốt lên, tạo màu đen cho bánh.

Chị Phàn Thị Khoa, bản Thôn 2, xã Huổi Só, cho biết: Cứ cuối tháng 10, lúc mùa màng kết thúc là bản làng người Dao lại tất bật với công việc chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng đen. Để đảm bảo cho bánh chưng đen có hương vị, màu sắc thì việc chuẩn bị nguyên liệu là khâu rất quan trọng.

Phần gạo nếp được giã thủ công từ những bông lúa nếp chắc hạt thu hoạch trên nương rẫy; phần rơm sẽ phải chọn lọc thật kỹ càng và chỉ lấy những cây rơm to, vàng ươm, mang đi rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, rồi phơi khô, bó buộc cẩn thận chờ gần Tết, chọn ngày lành, giờ đẹp đem ra đốt lấy tro nhuộm gạo nếp, làm bánh chưng đen.

Trong các ngày 28 và 29 tháng Chạp là lúc các bản làng rộn ràng nhất. Đây là dịp các gia đình đoàn tụ bên bếp lửa để làm bánh, tiếng nói, tiếng cười thật rôm rả, không khí thật ấm cúng, mọi người cởi mở, gần gũi nhau hơn. Bánh chưng đen của người Dao cũng gói bằng lá dong và lá chuối như người Kinh gói bánh chưng xanh, nhưng cộng đồng người Dao khá cầu kỳ trong việc làm lá gói.

Trước khi gói bánh nhiều ngày, lá dong, lá chuối phải rửa thật sạch, dùng khăn vải lau thật khô, rồi phải cắt cho vừa khuôn để đảm bảo kích thước bánh; đến lúc gói bánh thì một lần nữa lá dong, lá chuối sẽ được kiểm tra lại, rồi hơ qua lửa than hoa, than củi cho thật mềm trước khi trải lên mâm.

Độc đáo và cầu kỳ hơn nữa là công đoạn “nhuộm” gạo nếp, từng cọng rơm nếp lần lượt được đưa ra đốt cháy trong chậu thau bằng nhôm hay chum đồng, sành sứ để lấy tro.

Tro này đem hòa với nước lạnh trong vắt được lấy ở đầu nguồn của suối để có nước màu đen. Nước màu đen này sẽ được trộn với gạo nếp để gói bánh chưng đen. Thông thường, người phụ nữ Dao sẽ đảm nhận mọi việc để tạo nên chiếc bánh chưng đen.

Do đó, khi trộn gạo nếp với nước tro đen, đòi hỏi người phụ nữ phải có kinh nghiệm để nhận diện được tỷ lệ tương ứng, hài hòa giữa lượng gạo nếp và lượng nước tro đen; khi trộn phải thật sự nhuần nhuyễn, đều tay để mỗi một hạt nếp sẽ ngấm đủ, đều nước tro đen. Nếu quá nhiều nước, tro đen ngấm vào hạt nếp, bánh sẽ có vị đắng lấn át các mùi vị đặc trưng của nếp nương hòa quyện với mùi lá dong rừng, lá chuối rừng và nhiều gia vị khác.

Nhưng nếu nước tro ngấm vào hạt nếp ít quá thì nhân bánh sẽ không tạo được màu đen như ý - cái màu thể hiện sự no đủ của gia đình, bản làng; thể hiện lòng hiếu thuận của con cái đối với tiền nhân, tiên tổ và thể hiện sự tài năng, sự khéo léo nội trợ của người phụ nữ dân tộc Dao.

Công đoạn gói bánh được xếp vào công đoạn cầu kỳ, quan trọng và quyết định giá trị, chất lượng chiếc bánh. Bánh phải gói đủ chặt để không rơi gạo ra ngoài, các vị trí nhân bánh, thịt lợn ở giữa và được gạo nếp bao bọc đều để khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt, nhân trong từng miếng bánh. Bánh chưng khi gói xong sẽ được xếp vào nồi đun đều lửa từ 10 đến 12 tiếng cho bánh nhừ, sau đó sẽ được treo lên gác bếp để ráo nước.

Bánh chưng đen của người Dao cũng được gói theo một hình dạng nhất định: Bánh lưng gù, phần lồi lên giống như đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc quanh thân. Phần gù càng nhô cao, càng cân đối thì bánh càng đẹp và sẽ được lựa chọn để thờ cúng tổ tiên, mỗi lần thắp hương phải có đủ 7 chiếc bánh chưng đen sắp đặt trên bàn thờ gia tiên. Cứ đủ thời gian sau 2 ngày thì chủ nhà mới hạ bánh xuống khỏi bàn thờ để dùng trong các bữa cơm Tết mời bà con trong họ hàng, làng bản.

Bánh chưng đen của người Dao quần chẹt khi bóc ra có màu đặc trưng là đen xanh hòa quyện, mùi thơm dịu của nếp nương, của lá dong, lá chuối rừng, khi ăn có vị ngon, độ dền dẻo pha chút mặn của tro rơm.

Thưởng thức bánh chưng đen, du khách có thể cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc của núi rừng, của nương rẫy kết tinh trong từng miếng bánh để từ đó càng hiểu hơn giá trị, thành quả, công sức lao động của người dân phía hạ nguồn sông Đà.

Cùng với rượu thóc ngâm có mùi thơm đặc biệt, thịt lợn nấu trong ống nứa, cơm tẻ đồ thơm ngon, canh đậu tương xay nhỏ nấu với thịt có vị chua thì sự hiện diện của miếng bánh chưng đen trong mâm cơm ngày Tết càng thể hiện sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Dao quần chẹt nơi tiểu vùng văn hóa ngành Dao.

Văn Dũng - Xuân Tiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/xuan-ve-trai-nghiem-vung-van-hoa-nguoi-dao-o-huoi-so-20190205100502814.htm