Xuân về trong sắc thắm hoa lan

Ngoài những món ăn đậm đà truyền thống dân tộc thì thú vui chơi cây, hoa trang trí ngày Tết thể hiện nét đẹp tao nhã trong văn hóa của người Việt.

Tại vườn lan Trịnh Gia, các hộ làm vườn tất bật chuẩn bị cắm hoa, trang trí để bày bán. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hoa lan vốn được mệnh danh là "Nữ Hoàng của các loài hoa", thú chơi này từ xưa chỉ dành cho giới vương giả, thượng lưu. Ngày nay, khi cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người thay đổi, hoa lan trở thành thú vui tinh tế, tao nhã, sang trọng và lan tỏa đến tất cả mọi người, nhất là vào dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tạ Công Thực, Hội viên Hội hoa lan Đông La, Hoài Đức, Hà Nội, ông chia sẻ: Nghề trồng lan của gia đình tôi với thâm niên trên dưới 30 năm, nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất khoảng 15 năm gần đây. Thời gian trước, chỉ có lác đác vài hộ trồng, nhưng đến nay khối lượng thành viên đã lên đến hàng trăm nhà vườn. Trong đó có nhiều gia đình trồng nhiều, với diện tích từ 3.000m2 - 4.000m2, các hộ trung bình cũng tầm từ 1.000m2-2.000m2. Tính tổng thể toàn xã có khoảng mấy trăm hộ, diện tích khoảng mấy chục ha.

Hoa lan mang vẻ đẹp thanh tao mà sang trọng, mùi hương thoang thoảng chứ không nồng và đậm. Có lẽ bởi đặc điểm ấy mà hoa lan luôn chiếm được cảm tình của nhiều người kể cả với những người khó tính nhất. Tùy vào từng màu sắc mà mỗi màu hoa lại mang ý nghĩa, thông điệp và giá trị nghệ thuật khác nhau.

Những năm qua, nghề trồng lan mang lại thu nhập kinh tế cho nhiều gia đình trong xã, sau khi trừ các chi phí, bình quân thu nhập mỗi hộ có thể để lời ra được một vài trăm triệu, với những hộ kinh doanh lớn con số có thể lên hàng tỷ đồng. Các dòng hoa được trồng chủ yếu tại Đông La là dòng lan phổ thông như: Tai châu, quế, tam bảo sắc, phi điệp… Các loài hoa lan này có nguồn gốc chủ yếu trong nước, nhà vườn có thể tự nhập cây giống và nuôi cấy, một số nhập loại, giống lan từ miền Nam, một số loại được nhập từ Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Về kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật nuôi trồng, theo ông Thực trước kia người dân không nuôi được cây từ trong chai nhưng hiện nay đã nuôi được và phát triển tốt- cây cấy mô, cho chất lượng hoa đẹp và ổn định. Bên cạnh đó việc trồng, chăm sóc hoa lan cũng đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, mang cái tình của người trồng lan "đối đãi" với loài hoa quý này.

"Người trồng lan gặp khó khăn trong mấy năm đại dịch COVID-19, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập, kinh tế gia đình nhưng không vì thế họ nản chí và dừng bước. Tình yêu với hoa lan cùng duyên mệnh với nghề trồng lan thấm đượm trong mỗi nhà vườn, vì thế những chậu lan, khóm lan hàng ngày được họ chăm sóc, bảo quản kỹ lưỡng, tỉ mỉ để đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm đẹp nhất tươi thắm nhất."- ông Thực bộc bạch.

Ông Tạ Công Thực đang chăm sóc cho vườn lan của gia đình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Cũng theo ông Thực, trong dip Tết đến xuân sang, người làm vườn đều có sự định lượng về nguồn hàng cung ứng, hơn nữa lượng khách ổn định từ trước nên không quá lo lắng và áp lực. Từ mùng 10 âm trở đi đến trước 25, không khí nhà vườn trở nên tấp nập, rộn ràng người mua kẻ bán. Giá lan năm nay so với mặt bằng năm ngoái sẽ tăng lên khoảng 15%-20%. Ví dụ như lan hồ điệp giá khoảng 300 nghìn/cây; còn loại đẹp có thể lên đến 350-400 nghìn/cây; lan tai châu (do ngọn lan không đồng nhất về kích cỡ có ngọn to ngọn nhỏ) nên giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu. Lượng tiêu thụ năm nay sôi nổi hơn năm ngoái, rầm rộ từ cuối tháng 11 âm lịch các hộ đã chuẩn bị tất bật để vào vụ bán mới cho Tết Nguyên đán 2023.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm, anh Trịnh Đắc Khánh, (xóm 4 thôn Đồng Nhân, xã Đông La, Hoài Đức) - nhà vườn trồng lan Trịnh Gia có tổng diện tích 2.000- 3.000m2 cho biết, vườn lan của Trịnh Gia có rất nhiều loại, cùng các loại lan rừng như: Tam bảo sắc, tai châu, quế, các dòng thân thon và đặc biệt dịp Tết này nhà vườn còn cho ra mắt loại lan hồ điệp rất đẹp, hấp dẫn.

"Lan là một trong những loại thực vật phong phú nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới, cách chăm sóc không gì tốt bằng việc mình tạo cho lan một môi trường tốt để phát triển, trong đó yếu tố quan trọng nhất là ánh sáng, nhiệt độ, gió và nước, khi kết hợp hài hòa tất cả các yếu tố đó sẽ cho ngọn lan đẹp. Cố gắng tạo môi trường sao cho phù hợp nhất để lan phát triển tốt."- anh Khánh chia sẻ.

Người dân tấp nập đến Đông La để chọn và mua lan. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nói thêm về bí kíp chăm sóc hoa lan, anh Khánh cho biết: Thông thường lượng nước tưới cho lan từ 1 đến 2 lần/ngày, mùa hè cần tưới 2 lần vào sáng và tối, tránh lúc nắng nóng sẽ làm hại cây, hấp thêm nhiệt nóng cho cây làm ảnh hưởng đến "sức khỏe" của lan. Bên cạnh đó, cần treo lan trên cao ở những tán cây, gốc cây hoặc những môi trường ánh sáng 30-40% ánh sáng mặt trời và càng thoáng gió càng tốt. Phân bón cho ăn tùy từng giống lan, lan có thể sống trên những thân cây to, mát, cây lan cũng có thể tự sinh sôi, phát triển. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, người trồng lan còn cần dành tình yêu cho hoa lan và chăm sóc lan bằng cả tâm hồn, có như vậy mới cho ra những nhành lan đẹp và thực sự tỏa ra "khí chất của loài hoa vương giả".

Anh Khánh chia sẻ thêm: Bình thường cây lan sống ở trên rừng đã sinh trưởng rất tốt, người dân khai thác về và nhân giống nên cần phải tạo được môi trường giống như trên rừng để cho lan sinh trưởng, có nhiều cây cối xung quanh để tạo thành một quần thể và độ ẩm độ mát như trên rừng thì tự nó sẽ phát triển, không cần con người tác động quá nhiều. Lan không giống như đào, quất vì có thể chơi được từ rất sớm và để được lâu, với thời gian khoảng 2 tháng.

Người xưa thường nói: "Chơi lan dưỡng tính, chơi cá dưỡng tâm" bởi chơi lan không thể nóng vội mà phải hết sức cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ. Trồng lan, chơi lan không những thuần dưỡng được tính khí, rèn luyện sự kiên trì mà chơi lan còn đem lại những giây phút thư giãn, tĩnh tâm cho tâm hồn sau những vất vả lo toan cuộc sống. Trong không khí mùa xuân vui tươi, vẻ đẹp quý phái sang trọng, hiện đại của hoa lan đã góp thêm sắc màu thi vị cho không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đâu đó trong cảm xúc lắng đọng của không gian và thời gian, của sự giao hòa trời đất, khiến lòng gợi nhớ mấy vần thơ nhỏ:

"Mùa xuân dường như đang gõ cửa

Giọt sương lành nũng nịu với sớm mai

Bên khung cửa nhánh lan rừng e ấp

Khúc giao mùa tự sự với nàng thơ".

Thiện Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xuan-ve-trong-sac-tham-hoa-lan-169230121074342929.htm