Xuân về với vựa hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc

Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất ven Thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay Văn Giang đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những vựa hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc.

Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) chăm sóc hoa giỏ treo phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) chăm sóc hoa giỏ treo phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Vốn là vùng quê nổi tiếng về nghề trồng hoa cây cảnh, các làng hoa Văn Giang (Hưng Yên) quanh năm mang không khí Tết.

Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất ven Thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay Văn Giang đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những vựa hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc.

*Khẳng định thương hiệu

Văn Giang hiện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa cây cảnh, thu hút trên 5.000 hộ tham gia, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động; trong đó có 2 làng đã được công nhận là làng nghề gồm làng hoa Xuân Quan và làng hoa, cây cảnh Phụng Công.

Cùng đó, còn có 2 sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể là "Quất cảnh Văn Giang" và "Hoa Xuân Quan" đã khẳng định thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện Văn Giang đã hình thành các vùng vùng chuyên canh hoa cây cảnh sản xuất tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường.

Trên địa bàn có gần 1.100 ha chuyên trồng hoa, cây cảnh các loại, tập trung ở các xã Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở, thị trấn Văn Giang...

Tại các địa phương này đã chuyển đổi đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng hoa, với các mô hình có quy mô từ 20 ha trở lên.

Theo đó, huyện đã quy hoạch 3 vùng chính gồm: vùng trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao, cây trang trí công trình với hơn 250 ha, tập trung chủ yếu các xã Xuân Quan, Phụng Công và thị trấn Văn Giang.

Vùng trồng cây cam, quất, quýt, bưởi cảnh có diện tích trên 300 ha ở các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở, Tân Tiến và thị trấn Văn Giang…; vùng chuyên trồng cây phôi (cây nguyên liệu) phục vụ cho sản xuất hoa cây cảnh có diện tích trên 100 ha, thuộc các xã Long Hưng, Tân Tiến, Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc.

Điểm nổi bật nhất ở Văn Giang là việc nông dân đã ứng dụng các tiến bộ khoa học từ khá sớm trong sản xuất hoa, cây cảnh.

Nhiều chủ vườn đã làm chủ công nghệ ghép quả trên các loại cây cam, quất, quýt, bưởi; xử lý ra quả trái vụ; ̣thực hiện công nghệ xuân hóa các loại hoa ly, lan hồ điệp, tulíp, loa kèn; nhân giống thành công một số giống cây hoa ôn đới trong điều kiện nhiệt đới.

Đáng chú ý, trên địa bàn hiện có một trung tâm sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô in vitro của gia đình anh Oanh ở thôn 7, xã Xuân Quan chuyên sản xuất các loại cây giống hoa để cung cấp cho sản xuất đại trà.

Hiện nay, khoảng 35% diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang được trồng trong nhà lưới, nhà kính; 100% diện tích được làm đất, trộn, đóng bầu bằng máy, có hệ thống tưới nước tự động và bán tự động, hệ thống phun thuốc trừ sâu bằng máy.

Theo đó, đã giảm chi phí chăm sóc, nhân công và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết.

* Những cánh đồng trăm tỷ

Vụ năm nay, tổng giá trị thu được từ trồng hoa, cây cảnh của cả huyện Văn Giang đạt trên 800 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trung bình 1 ha hoa, cây cảnh lên đến trên 750 triệu đồng/năm.

Diện tích trồng quất tập chung chủ yếu tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tại các vùng chuyên canh, có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất ở các xã Xuân Quan, Phụng Công đạt mức thu 1 tỷ đồng/ha/năm.

Một số diện tích hoa hồng chất lượng cao đạt doanh thu từ 1,2 đến 1.5 tỷ đồng/ha/năm. Riêng mô hình trồng hoa ly, lan và cây cảnh chất lượng cao có quy mô nhỏ từ 500 m2 đến 2.000 m2 đạt thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ năm. Cá biệt có một số hộ ở các xã Phụng Công, Xuân Quan cho thu nhập từ 5 tỷ đến 15 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn huyện Văn Giang hiện nay đã có một số cơ sở, công ty tư nhân đang hoạt động sản xuất, liên doanh, liên kết kinh doanh xuất nhập khẩu hoa như: Công ty TNHH Thủy Cam, Công ty TNHH Bảo Ngọc, Công ty TNHH Hoàng Kim, Hợp tác xã hoa cây cảnh Xuân Quan chuyên kinh doanh nhập khẩu hoa từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và một số đầu mối chuyên sản xuất và tiêu thụ hoa như cơ sở hộ anh Phạm Ngọc Oanh, anh Lê Minh Tuyến, xã Xuân Quan; vườn lan Huy Hùng xã Phụng Công, vườn lan Công ty TNHH Ngọc Anh...

Phụng Công là vùng có truyền thống trồng hoa cây cảnh nổi tiếng từ hàng chục năm nay. Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho hay, trên địa bàn xã hiện có gần 1.400 hộ, chiếm 84% tổng số hộ tham gia nghề trồng hoa cây cảnh.

Sự cần cù và sáng tạo của người Phụng Công đã tạo ra các sản phẩm được uốn tỉa, lai tạo cầu kỳ, là những cây thế độc lạ, cuốn hút khách sành chơi như: địa lan, phong lan, hồ điệp, trà, hải đường, xanh, si, đa, lộc vừng...

Doanh thu từ nghề trồng hoa cây cảnh năm 2018 của bà con Phụng Công đạt hơn 300 tỷ đồng.

Tương tự, tại xã Xuân Quan có gần 150 ha chuyên trồng hoa cây cảnh, cây công trình. Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, hiện nay diện tích trồng hoa cây cảnh các loại ở Xuân Quan đã cho thu lợi nhuận bình quân từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha. Doanh thu mỗi năm của cả xã đạt hơn 200 tỷ đồng.

Năm nay, các làng hoa Văn Giang cung ứng cho thị trường khoảng 50 triệu sản phẩm chủ yếu gồm: hoa hồng, lan, ly, giỏ treo và cây cam, quýt, quất, bưởi cảnh, cây cảnh các loại.

Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, tại Văn Giang có khoảng trên 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh chất lượng cao nhập khẩu, đưa huyện trở thành 1 trong 3 trung tâm sản xuất, kinh doanh và trung chuyển hoa cây cảnh lớn nhất cả nước.

Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Các sản phẩm hoa cây cảnh Văn Giang đã chiếm lĩnh thị trường khu vực Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành phía Nam.

Hiện nay trên 85% sản lượng hoa, cây cảnh của Văn Giang được tiêu thụ tại chỗ, các thương lái mua tại vườn, nhiều loại hoa hồng chậu và hoa, cây cảnh các loại được xuất ngược vào Miền Nam.

Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, các loại cam, quất, bưởi, quýt cảnh của Văn Giang được cung ứng đến nhiều địa phương trong cả nước.

Có nhiều sản phẩm cây cảnh được xuất qua đường tiểu ngạch ra các nước có nhiều người Việt sinh sống...

Ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho hay, huyện đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2020, Văn Giang sẽ mở rộng diện tích trồng hoa cây cảnh lên 1.350 ha.

Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chợ đầu mối và trung tâm giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến, tham gia thị trường hoa xuất khẩu để các làng nghề trồng hoa cây cảnh phát triển theo hướng tăng giá trị và bền vững./.

Mai Ngoan/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xuan-ve-voi-vua-hoa-cay-canh-lon-nhat-mien-bac/112533.html