Xuất cảnh lao động trái phép - Những nỗi buồn sau lưng núi

Câu chuyện buồn của những người dân tộc Mông trở về, sau khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn, đã không còn xa lạ với mỗi bản làng ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Họ kể cho nhau nghe về những hoàn cảnh, nỗi đau của mỗi gia đình có người xuất cảnh chui sang Trung Quốc làm thuê, khi đi tay trắng, khi về trắng tay. Thậm chí, có những người phụ nữ chẳng thể trở về được nữa, bởi một khi đã bước chân đi khỏi bản làng để tìm vùng đất hứa, thì nhân phẩm đã bị chà đạp mất rồi.

Không có việc làm thường xuyên là nguyên nhân khiến nhiều người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Ảnh: Linh Nga

Giấc mơ ở vùng đất hứa

Theo số liệu thống kê, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mường Lát có gần 200 trường hợp xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép (chủ yếu tập trung ở 2 xã Trung Lý và Mường Lý). Đến nay, vẫn còn 82 trường hợp đang ở lại Trung Quốc và một số trường hợp do bị chủ lao động quỵt tiền công, bị bóc lột sức lao động, nên đã quay trở về địa phương.

Bản Cá Giáng, xã Trung Lý có 100 hộ, 465 nhân khẩu dân tộc Mông sinh sống, trong đó, 98 hộ thuộc diện nghèo. Bản nằm cách trung tâm xã gần 40km, giao thông đi lại khó khăn, đói nghèo không chỉ là câu chuyện của tháng ba, ngày tám mà luôn thường trực trong mỗi nếp nhà. Câu chuyện xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc ở bản Cá Giáng không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã từ nhiều năm về trước.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 trở lại đây, bản Cá Giáng có hơn 70 trường hợp xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Ông Vàng Giống Của, Trưởng bản Cá Giáng, xã Trung Lý chia sẻ: "Cuộc sống của người Mông ở bản Cá Giáng còn nhiều khó khăn lắm! Mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng do thiếu đất sản xuất, người dân chưa biết cách làm ăn nên nhà nào cũng trong cảnh nghèo đói. Chính vì thế, sau mỗi mùa nương rẫy, họ lại rủ nhau đi sang Trung Quốc làm thuê mong kiếm thêm tiền mua gạo".

Ngôi nhà gỗ xập xệ của Giàng A Lầu nằm cheo leo bên sườn núi, trong nhà hầu như chẳng có vật dụng gì đáng giá. Mấy năm trước, 3 bố con Giàng A Lầu xuất cảnh chui sang Trung Quốc làm thuê. Họ được một chủ lao động Trung Quốc thuê thu hoạch nông sản với mức thù lao 200 nghìn đồng/ngày. Công việc vất vả, nặng nhọc, mấy bố con Giàng A Lềnh làm từ sáng đến tối, chủ lao động chỉ cho ăn cơm chứ không trả tiền công như đã hứa. Một thời gian sau, khi hỏi tiền công lao động thì chủ đe dọa sẽ báo lên chính quyền sở tại nên mấy bố con đành phải trở về nhà mà chẳng có đồng tiền công nào.

Trường hợp của Hoàng Seo Vãng (bản Muống 1, xã Mường Lý) còn bi đát hơn nhiều. Năm 2011, Hoàng Seo Vãng được một người quen rủ sang Vân Nam (Trung Quốc) làm thuê cho một chủ lao động người Trung Quốc. Hoàng Seo Vãng được thuê làm nghề đóng gạch, chủ lao động hứa trả cho Vãng 100 triệu trong vòng 3 năm. Với một người dân vùng dân tộc thiểu số thì số tiền 100 triệu là một con số khổng lồ. Tin tưởng vào lời hứa của chủ lao động nên Hoàng Seo Vãng chăm chỉ làm việc. Nhưng khi Vãng làm được mấy tháng thì nhà có việc nên Vãng muốn về thăm nhà. Khi hỏi tiền công thì chủ lao động chỉ đưa cho Vãng 3 triệu đồng và dọa, nếu không nhận, sẽ gọi chính quyền địa phương đến lập biên bản và đuổi về nước. Thế là, Hoàng Seo Vãng đành phải ngậm ngùi đem số tiền ít ỏi về quê mà chẳng dám nghĩ đến chuyện quay lại nữa.

Cuộc sống khó khăn, cái nghèo luôn đeo bám mỗi nóc nhà của người Mông Mường Lát như một căn bệnh trầm kha, dai dẳng. Cũng do nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hàn chế nên họ dễ bị lôi kéo, dụ dỗ để đi tìm giấc mơ đổi đời từ vùng đất hứa nhưng đầy rẫy những rủi ro. Đại úy Phan Hồng Khoái, Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Mường Lát cho biết: 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Lát, tình trạng người Mông xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người Mông còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ.

Thêm vào đó, sau mỗi mùa nương rẫy, bà con không có việc làm nên đời sống gặp khó khăn. Khi được kẻ khác xúi giục, lôi kéo thì họ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Song thực tế, không phải trường hợp nào xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc cũng thực hiện được mong muốn thay đổi cuộc sống của mình. Đa số họ bị chủ lao động bóc lột sức lao động, không trả tiền công, thậm chí bị đe dọa và bị chính quyền địa phương sở tại trục xuất theo đường tiểu mạch".

Phụ nữ người Mông là nhóm đối tượng rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Nước mắt sau lưng núi

Trong số gần 200 trường hợp xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc thì nhiều phụ nữ và trẻ em nghi bị lừa bán. Theo số liệu từ Công an huyện Mường Lát, hiện có 53 phụ nữ có thông tin là lấy chồng hoặc bị lừa bán, đến nay không rõ tung tích. Có một số trường hợp may mắn trở về và mang theo những giọt nước mắt cùng những nỗi đau ẩn giấu phía sau lưng núi.

Năm 2014, Lầu Thị Dia, bản Cha Lan, xã Mường Lý được một người bạn rủ sang Vân Nam (Trung Quốc) làm thuê, nhưng thực chất là bị lừa bán làm vợ một người đàn ông lớn tuổi ở đây. Cuộc sống khổ cực, Dia thường xuyên bị nhà chồng đánh đập, làm việc nặng nhọc. Cuộc sống tủi nhục, cứ thế kéo dài hơn 1 năm, và trong một lần đi chợ mua thức ăn cho nhà chồng, Lầu Thị Dia tìm cách bỏ trốn và may mắn được Công an địa phương đưa trở về. Nhưng, trong số rất nhiều phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không phải ai cũng may mắn được trở về như Lầu Thị Dia.

Ông Thào A Tề (xã Mường Lý) không giấu được nỗi buồn khi kể về con gái của mình Thào Thị G (sinh năm 1997) bị dụ dỗ sang Trung Quốc cho đến nay vẫn không rõ tung tích. Tháng 9 - 2015, Thào Thị G bảo với gia đình là có người bạn rủ sang Trung Quốc làm thuê. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà ông Thào A Tề đồng ý cho con gái đi, nhưng rồi cũng chẳng nhận được tin tức gì nữa. Ông ngậm ngùi bảo: "Mấy tháng nay, mình không nhận được tin tức gì về nó cả, chỉ sợ con gái bị lừa bán làm vợ người Trung Quốc rồi không về được nữa".

Bà Phan Thị Mấy, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Lát cho biết: "Hầu hết phụ nữ người dân tộc thiếu số trên địa bàn huyện đều mù chữ và không biết tiếng phổ thông nên họ thiếu kiến thức về pháp luật và làm ăn kinh tế, rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tích cực tuyên truyền cho chị em và mở các lớp xóa mù chữ, tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế, nhất là các bản người Mông do khác biệt về ngôn ngữ, địa hình và giao thông đi lại không thuận lợi".

Cũng chỉ vì nghèo khó, không đủ miếng cơm để no cái bụng mà những người phụ nữ, những chàng trai người Mông tìm cho mình vùng đất hứa chỉ với mục đích duy nhất là để có thêm thu nhập, có thêm tiền mua gạo cho cả gia đình sau mỗi mùa nương rẫy. Song, giấc mơ của họ chẳng thành hiện thực, trái lại, chỉ là những rủi ro khó lường, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người lao động và để lại những giọt nước mắt ngậm ngùi...

Linh Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuat-canh-lao-dong-trai-phep-nhung-noi-buon-sau-lung-nui/