Xuất hiện nắng nóng gay gắt trên diện rộng

* Chủ động chống hạn, sâu bệnh cho cây trồngTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (4-5), nắng nóng diện rộng đã xảy ra ở khu vực vùng núi phía bắc và trung Trung Bộ, cục bộ ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ.

Người dân huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) chăm sóc lúa vụ xuân. Ảnh: HÀ MY

Người dân huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) chăm sóc lúa vụ xuân. Ảnh: HÀ MY

* Chủ động chống hạn, sâu bệnh cho cây trồng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (4-5), nắng nóng diện rộng đã xảy ra ở khu vực vùng núi phía bắc và trung Trung Bộ, cục bộ ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ.

Dự báo, từ ngày 5 đến 6-5, vùng áp thấp phía tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp hiệu ứng phơn nên nắng nóng sẽ mở rộng ra toàn Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 35 đến 380C, riêng phía tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh bắc và trung Trung Bộ có nơi hơn 380C.

Từ ngày 7 đến 10-5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nền nhiệt độ phổ biến ở mức 37 đến 400C, có nơi hơn 400C.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), diện tích vải niên vụ 2020 toàn tỉnh Bắc Giang khoảng hơn 28.000 ha, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20-5 đến 5-6. Tuy nhiên, thời gian qua, một số loại sâu hại đã phát sinh và gây hại trên một số diện tích vải. Cụ thể: Bọ xít nâu đã gây hại diện rộng các vườn vải, diện tích nhiễm 576 ha; bệnh sương mai gây hại nặng cục bộ 170 ha; bệnh thán thư gây hại cục bộ 81 ha. Đặc biệt, sâu đục cuống quả đã phát sinh và gây hại 205 ha. Cục BVTV khuyến cáo thời gian tới, sâu đục cuống quả vải trưởng thành, các địa phương cần kiểm tra, phòng trừ, không để ảnh hưởng năng suất vải.

* Tỉnh Hải Dương, niên vụ 2020 có khoảng 9.700 ha vải. Hiện một số loại sâu hại phát sinh gây hại, trong đó, rệp muội hại tỷ lệ 3 đến 5% diện tích nhiễm 1,2 ha; bọ xít nâu mật độ 0,5 đến 1 con/cành, cao 2 đến 3 con/cành, nhiễm 70 ha; sâu đo gây hại mật độ 0,5 đến 1 con/cành, diện tích nhiễm 60 ha; bệnh sương mai diện tích nhiễm 15 ha. Cục BVTV khuyến cáo cơ quan BVTV tỉnh Hải Dương và nông dân cần phun phòng bệnh thán thư vào đầu tháng 5 (trên trà vải sớm) và đầu tháng 6 (đối với trà vải chính vụ).

* Đến nay, TP Hà Nội có gần 3.000 ha lúa xuân trổ bông, chiếm 3,3% tổng diện tích vụ xuân; gần 21.000 ha rau màu các loại, trong đó có 3.400 ha đang cho thu hoạch. Ngành nông nghiệp thành phố yêu cầu các đơn vị phải có đủ nước tưới dưỡng cho lúa xuân và rau màu. Đối với diện tích lúa đang giai đoạn phân hóa làm đòng, cần hướng dẫn nông dân xác định đúng thời điểm bón phân, bón NPK chuyên dùng phù hợp từng chân ruộng.

* Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, sâu cuốn lá nhỏ lứa hai vụ đông xuân năm 2020 có mật độ cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Mật độ trung bình 100 đến 150 con/m2, nơi cao 200 đến 300 con/m2, cá biệt 400 đến 500 con/m2 và có tất cả đến 77.000 ha lúa đông xuân cần phải phòng trừ. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa, toàn tỉnh mới phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa hai được khoảng 9.000 ha. Nguy cơ sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại và làm giảm năng suất lúa xuân nếu không được phun thuốc phòng trừ kịp thời.

* Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hoạch được 5.172 trong tổng số 28.667 ha vụ đông xuân 2019-2020. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân, đối với diện tích lúa trong giai đoạn trổ chín đến đỏ đuôi phải tiến hành thu hoạch sớm. Diện tích lúa ở giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi nước rút cần tiến hành dựng lúa lại, tạo điều kiện cho lúa tiếp tục trổ. Đối với lúa làm đòng cần thoát nước nhanh, bổ sung phân bón để cây lúa nhanh chóng phục hồi. Đồng thời, kịp thời phát hiện những đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lép hạt, khô vằn, rầy nâu… để chỉ đạo phun trừ kịp thời.

* Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, bọ xít muỗi gây hại mạnh tại các vườn cà-phê. Hiện đã có 919 ha cà-phê chè bị nhiễm bọ xít muỗi, với tỷ lệ bị hại phổ biến khoảng 30%. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh dự báo, thời gian tới thời tiết có mưa, cây cà-phê đang ra hoa đậu quả, ra chồi, lá non, vì vậy bọ xít muỗi sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo cần cắt tỉa sớm chồi vô hiệu, chồi non đã bị bọ xít muỗi đẻ trứng, bảo đảm mật độ phù hợp đối với các diện tích trồng mới, trồng tái canh tối đa 5.000 cây/ha…

* Tỉnh An Giang đang tập trung xuống giống vụ hè thu 2020 đồng loạt để né rầy, né hạn đầu vụ. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, tổng diện tích dự kiến sản xuất vụ hè thu năm 2020 là hơn 250.100 ha; trong đó lúa 230.000 ha, rau màu hơn 20.100 ha. Để chủ động chống hạn, sâu bệnh, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp căn cứ vào tình hình khí tượng - thủy văn và khung lịch thời vụ cho từng khu vực, từng tiểu vùng để tránh diễn biến phức tạp trước diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng...

* Tại tỉnh Cà Mau, trên tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh vừa xảy ra sự cố sụt lún mặt đê, với chiều dài 1.670 m. UBND huyện U Minh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp UBND xã Khánh Tiến tiến hành khảo sát, cắm biển cảnh báo sụt lún. Trước đó, tại tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (Trần Văn Thời) cũng xảy ra sụt lún, với chiều dài 240m và có nguy cơ sụt lún hơn 4.000 m.

* Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra sáu điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch tại thị xã Tân Châu và các huyện An Phú, Chợ Mới, Châu Phú, với chiều dài sạt lở 97 m, ảnh hưởng đến tám căn nhà phải di dời khẩn cấp. Ước thiệt hại sạt lở hơn 170 triệu đồng, số vụ sạt lở tăng ba vụ so cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân sạt lở do mực nước trên các sông rạch xuống thấp. Ngoài ra trong bốn tháng qua mưa kèm theo dông lốc ở bảy huyện, thị làm thiệt hại 56 nhà, trong đó sập hoàn toàn năm nhà và tốc mái, siêu vẹo 51 nhà.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44332702-xuat-hien-nang-nong-gay-gat-tren-dien-rong.html