Xuất hiện tình trạng 'bỏ cọc' sau đấu giá đất vượt sàn cao

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng 'bỏ cọc' sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra tại nhiều nơi, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư chính thống.

 Các lô đất bị “bỏ cọc” ở Cam Lộ sẽ được đưa vào kế hoạch đấu giá QSD đất trong những đợt tiếp theo - Ảnh: L.T

Các lô đất bị “bỏ cọc” ở Cam Lộ sẽ được đưa vào kế hoạch đấu giá QSD đất trong những đợt tiếp theo - Ảnh: L.T

Tại TP. Đông Hà, cuối năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất đợt 2 các lô đất nằm ở khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo, thuộc Phường 3 và khu tái định cư Bắc sông Hiếu thuộc phường Đông Thanh, đây là những lô đất nằm trong dự án do UBND TP. Đông Hà quản lý. Sau đấu giá, có tổng 58 lô đất đấu trúng trên diện tích hơn 12.500 m2 với tổng số tiền đấu giá hơn 191 tỉ đồng. Căn cứ các quy định, thời gian các nhà đầu tư phải nộp đủ số tiền sau khi có kết quả trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chi cục thuế của địa phương ban hành thông báo nộp tiền QSD. Tuy nhiên, tại đợt đấu giá này, có 9 chủ sở hữu các lô đất đã trúng đấu giá nói trên không nộp đủ số tiền đã đấu trúng. Trước tình trạng này, căn cứ các quy định hiện hành, ngày 28/1/2021, UBND TP. Đông Hà ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 2 lô đất ở khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và 7 lô đất ở khu tái định cư Bắc sông Hiếu đã đấu giá trước đó.

Tìm hiểu được biết, tại khu tái định cư Bắc sông Hiếu đơn cử có lô đất ký hiệu số 197 với diện tích 182 m2 có giá khởi điểm gần 1,9 tỉ đồng. Lô này được ông Nguyễn Duy Tăng trú ở Phường 5, TP. Đông Hà đấu giá cao hơn 2,3 lần so với giá khởi điểm và đấu trúng với giá hơn 4,5 tỉ đồng; hay như lô đất ký hiệu số 156 có diện tích 180 m2 , khởi điểm có giá hơn 1,7 tỉ đồng, được ông Phạm Văn Thiện, trú tại Phường 5, TP. Đông Hà đấu trúng với giá hơn 3,7 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với giá ban đầu đưa ra; tại khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo có lô đất ký hiệu A6.11, diện tích 200 m2 , giá khởi điểm hơn 1,5 tỉ đồng, được đấu lên giá 3,5 tỉ đồng, người trúng đấu giá là bà Hoàng Thị Gái ở Phường 1, TP. Đông Hà…

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà, đến nay đã quá thời hạn quy định nộp tiền sau đấu giá nhưng chủ sở hữu các lô đất đã đấu trúng nói trên chưa nộp đủ tiền. Điều này, đồng nghĩa với việc những người đó bỏ luôn số tiền đặt cọc hơn 10% so với giá khởi điểm mỗi lô trước khi đấu giá. Cũng theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, trên địa bàn TP. Đông Hà, trong tháng 1/2021, có 2 nhà đầu tư “bỏ cọc” sau khi đấu trúng 2 lô đất ở khu dân cư hai bên đường Phạm Hồng Thái thuộc phường Đông Lương; tháng 5/2021, có 4 chủ sở hữu cũng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá 3 lô đất ở khu dân cư hai bên đường Cồn Cỏ và 1 lô ở khu dân cư hai bên đường Phạm Hồng Thái.

Tình trạng “bỏ cọc” sau khi đấu trúng QSD đất với giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm không chỉ xảy ra ở TP. Đông Hà mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Tại huyện Cam Lộ, ngày 1/6/2022, địa phương này phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Đây là những lô đất đã được UBND huyện Cam Lộ phê duyệt kết quả trúng đấu giá QSD đất trong đợt 3 năm 2022 với giá đấu trúng gần 18 tỉ đồng. Tổng số tiền khách hàng đã đặt cọc các lô đất trên là 1,3 tỉ đồng. Theo quyết định, thì toàn bộ số tiền này được nộp vào ngân sách huyện. Đồng thời, các lô đất nói trên sẽ đưa vào đấu giá các đợt tiếp theo.

Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cho biết, sau khi các lô đất được công bố kết quả đấu trúng thì giá vượt sàn rất cao, điều này đã tác động phần nào làm xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận. Riêng tại xã Cam Tuyền, là xã thuộc khu vực miền núi, khó khăn của huyện, quá trình đấu giá đất, chính quyền đưa ra giá khởi điểm khoảng 250 triệu đồng cho một lô đất có diện tích 450 m2 , nhưng kết quả sau đấu giá có lô được đẩy lên gấp 4 lần so với giá khởi điểm. Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ thông tin thêm: Tình trạng này có thể là chiêu thức của các nhà đầu tư bất động sản. Trước đó, khả năng họ đã thu mua một số diện tích đất ở quanh các khu vực chuẩn bị đấu giá, rồi sau đó tham giá đấu giá với việc đẩy giá đấu lên cao nhằm thổi giá đất ở khu vực họ đã đầu tư trước đó để bán kiếm lời. Có thể họ bán được những diện tích đầu tư đó rồi và bỏ luôn tiền cọc ở những lô đã đấu trúng.

Còn tại huyện miền núi Đakrông, thời điểm giữa năm 2021, địa phương tổ chức đấu giá QSD đất các lô đất nằm hai bên tuyến đường T4 thuộc thị trấn Krông Klang. Mỗi lô có giá khởi điểm trung bình hơn 200 triệu đồng, tuy nhiên, giá sau đấu giá lên khoảng 400 - 700 triệu đồng/lô. Điều đáng nói là sau khi công bố kết quả những người trúng đấu giá thì có đến 8 chủ sở hữu các lô đã đấu trúng với giá cao nói trên “bỏ cọc”. Trước tình trạng này, huyện đã đi đến thống nhất là các đợt đấu giá đất tiếp theo sẽ nâng giá tiền đặt cọc từ hơn 10% lên mức kịch khung là 20% để nhằm hạn chế tình trạng “bỏ cọc” và nếu có “bỏ cọc” thì địa phương cũng sẽ thu về một số ngân sách tương đối.

Thực tế, việc các nhà đầu tư “bỏ cọc” sau khi đấu giá trúng trong thời gian qua đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản tại các địa phương trong tỉnh. Việc trả giá quá cao khi tham gia đấu đất chưa hẳn đã phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất đó trên thị trường. Ngược lại, sau đấu với giá vượt sàn cao rồi “bỏ cọc”, không chỉ gây nên tình trạng sốt đất cục bộ mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch, chỉ tiêu, nguồn thu từ đấu giá đất của các địa phương.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=167838&title=xuat-hien-tinh-trang-%E2%80%9Cbo-coc%E2%80%9D-sau-dau-gia-vuot-san-cao