Xuất hiện video MiG-29 Ukraine bắn tên lửa chống radar AGM-88 Mỹ

Không quân Ukraine đã công bố video cho thấy lần đầu tiên tên lửa chống radar AGM-88 HARM do Mỹ cung cấp được bắn từ máy bay phản lực MiG-29 của họ.

"Chúng tôi sẽ cung cấp thêm tên lửa diệt radar AGM-88 HARM. Quân đội Ukraine đã tích hợp loại vũ khí này vào máy bay trong biên chế và triển khai thành công, cho phép họ tìm kiếm và tiêu diệt các đài radar của Nga", quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 19/8.

Tên lửa AGM-88 HARM là một phần trong gói viện trợ quân sự 775 triệu USD được Mỹ chuyển cho Ukraine.

"Quân đội Ukraine đã tích hợp thành công tên lửa phương Tây cho các tiêm kích MiG-29 trong biên chế. Chúng tôi từng đánh giá điều này khả thi về mặt kỹ thuật và dựa vào đó để cung cấp vũ khí cho họ. Thực tế đây là lô tên lửa AGM-88 HARM thứ hai được chuyển đến Ukraine", quan chức Lầu Năm Góc nói thêm.

Hình ảnh tên lửa AGM-88 được tích hợp và bắn đi từ chiến đấu cơ MiG-29 vừa được Không quân Ukraine công bố. Có thể nhận thấy quả tên lửa được treo phía bên trong cánh.

Góc quay từ phi công cho thấy quả tên lửa AGM-88 được phóng đi, chưa rõ số phận mục tiêu ra sao.

Trước đó các mảnh vỡ của tên lửa AGM-88 cũng đã xuất hiện tại khu vực Donbass và cả Kherson. Điều này cho thấy phía Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này nhằm vào quân Nga và lực lượng ly khai.

AGM-88 HARM (HARM: High-speed Anti Radiation Missile - Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ) là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để phá hủy radar của đối phương.

Loại tên lửa không đối đất này được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar, đặc biệt là các đài radar cảnh báo chỉ huy của các tổ hợp phòng không mặt đất.

AGM-88 được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985.

Tên lửa nặng khoảng 355kg, dài 4,1m, lắp đầu nổ phá mảnh nặng 66kg.

Tên lửa được trang bị động cơ rocket cho tầm bắn 150km, tốc độ bay 2.280km/h.

Lần đầu tiên AGM-88 được sử dụng để tấn công vị trí đặt tên lửa SA-5 của Libya là vào tháng 3/1986.

Sau đó chúng được Hải quân và Không quân Mỹ sử dụng rộng rãi và thể hiện hiệu suất tốt trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Với những uy lực trên, tên lửa chống radar AGM-88 là một trong những vũ khí quan trọng giúp tạo ra những thay đổi trên cục diện chiến trường.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xuat-hien-video-mig-29-ukraine-ban-ten-lua-chong-radar-agm-88-my-post515434.antd