Xuất hóa đơn điện tử xăng, dầu theo từng lần bán: Có kịp về đích?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đến ngày 31-3-2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử sẽ bị xem xét xử lý, kể cả việc tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn cuối cùng, liệu việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng, dầu có kịp về đích là câu hỏi được quan tâm hiện nay.

Hơn 92% cửa hàng xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc xuất hóa đơn tại cửa hàng xăng, dầu được thực hiện nghiêm túc. Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, tất cả các cửa hàng của Petrolimex đều có thể phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng theo mọi nhu cầu. Với nhóm khách hàng lớn, Petrolimex đã có sẵn dữ liệu, chỉ cần truy cập hệ thống, dữ liệu sẽ tự động cập nhật vào hóa đơn để phát hành. Thậm chí, với doanh nghiệp vận tải lớn, Tập đoàn còn kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán để truyền dữ liệu hóa đơn trực tiếp sang đơn vị, giúp lái xe không phải lấy từng hóa đơn lẻ. Với khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn, dữ liệu được ghi nhận đồng bộ để chuyển thẳng về cơ quan thuế.

Việc xuất hóa đơn cũng được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng tại các cây xăng của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, quá trình kết nối thông tin cũng không tránh khỏi những vướng mắc nhỏ. Ông Hoàng Hồng Đào, đại diện cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 (số 1 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên), thuộc Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương cho hay, sự cố có thể xảy ra do mất mạng hoặc kết nối thông tin chưa đồng bộ.

“Do đã đầu tư nền tảng công nghệ và hệ thống quản trị dữ liệu, nên việc xuất hóa đơn rất thuận lợi, đơn vị chỉ cần lựa chọn phần mềm, giải pháp thống nhất, đồng bộ dữ liệu. Nhu cầu xuất hóa đơn của khách hàng rất lớn, lên tới vài nghìn hóa đơn/tháng, kể cả khách mua lẻ. Nhân viên sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách”, ông Hoàng Hồng Đào thông tin.

Xuất hóa đơn điện tử cho khách mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu Mypetrol 1 (số 1 đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên). Ảnh: Triệu Hoa

Tại cửa hàng xăng dầu số 436-438 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) thuộc Công ty TNHH Thái Minh Petro, nhân viên phục vụ cho biết, thời gian gần đây, yêu cầu lấy hóa đơn của người dân tăng lên đáng kể. Mọi người đều ý thức được đây là quyền lợi của mình. Nhờ công nghệ, việc xuất hóa đơn không mất quá nhiều thời gian. Khách hàng cũng có thể để lại thông tin để cửa hàng gửi qua thư điện tử.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến ngày 24-3, toàn quốc đã có 14.727/15.981 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, ước đạt 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. 41/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%; trong đó, 14 tỉnh, thành phố đã hoàn thành là Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh.

Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ ngày 1-7-2022, tất cả các ngành kinh doanh phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, không phân biệt giá trị hàng hóa, dịch vụ. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định cụ thể về việc sử dụng hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp, cửa hàng chần chừ, với lý do chi phí cao, tốn nguồn lực. Lý do khác được nhận định là tâm lý ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán hàng trong khi trình độ quản lý còn hạn chế.

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng, dầu theo từng lần có nhiều lợi ích, trong đó hạn chế tình trạng mua bán xăng, dầu lậu, giả, kém chất lượng và ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, từ đó chống thất thu thuế cho Nhà nước; giúp cho hoạt động kiểm tra, lưu trữ hóa đơn trở nên đơn giản hơn… Nhiều ngành, nghề đã triển khai hóa đơn điện tử từ lâu, song ngành xăng, dầu vẫn cứ chần chừ và việc này chỉ được đẩy nhanh khi Chính phủ chỉ đạo hạn cuối cùng và hình thức xử lý mạnh.

Với 1.254 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 7,8%; 5/63 cục thuế có tiến độ triển khai dưới 70%, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị tập trung thực hiện nghiêm, quyết liệt, triệt để quy định, phấn đấu đến ngày 31-3-2024 hoàn thành tại các địa phương.

Mới nhất, ngày 26-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng, dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét, xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu theo từng lần bán được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng thời hạn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực

Việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng, dầu là giải pháp quan trọng, giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận, buôn lậu xăng, dầu.

Thời gian vừa qua, ngành Thuế Hà Nội đã tích cực tuyên truyền về việc phát hành hóa đơn điện tử đối với xăng, dầu theo từng lần bán; rà soát, đánh giá thực trạng việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu để có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ. Cùng với đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị với các đơn vị kinh doanh xăng, dầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để lắng nghe những vướng mắc, tổng hợp những kinh nghiệm hay, chia sẻ tới doanh nghiệp…

Với các giải pháp đó, đến ngày 24-3, Hà Nội là một trong số ít các địa phương đã hoàn thành quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của ngành Thuế Thủ đô cũng như các doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình Lê Quang Huy: Doanh nghiệp kiểm soát thông tin thuận lợi

Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, có mạng lưới 94 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và 9 cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Mỗi ngày, đơn vị xuất khoảng 10.000 hóa đơn. Qua quá trình thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, chúng tôi thấy rằng, để triển khai thành công, quan trọng là xây dựng kế hoạch thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng, đào tạo và tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền tới khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn nhân viên và khách hàng thực hiện đúng quy định.

Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng mang lại nhiều lợi ích, như việc kiểm tra dữ liệu, số liệu có thể thực hiện ngay tức thì. Với doanh nghiệp có hệ thống lớn, điểm bán nhiều, việc kiểm soát thông tin một cách minh bạch, ngay tức thì là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, xuất hóa đơn theo từng lần bán cũng bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi mua hàng theo quy định.

Anh Phạm Duy Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội): Không làm mất thời gian của người mua

Là lái xe chạy đường dài nên tôi thường xuyên lấy hóa đơn mua xăng gửi về công ty. Quy trình xuất hóa đơn tại các cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và chuyên nghiệp. Khách hàng chỉ cần đọc mã số thuế, trên hệ thống dữ liệu đã có sẵn tên, địa chỉ doanh nghiệp để rà soát, đối chiếu lại tính chính xác trước khi xuất hóa đơn. Tôi thường để lại một số thông tin cá nhân để được chuyển hóa đơn qua thư điện tử hoặc mạng xã hội Zalo... Qua quan sát, tôi nhận thấy việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng cũng không làm mất thời gian của người mua, không gây ra ùn ứ tại các cây xăng.

Tôi cho rằng, việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng, dầu mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, góp phần chống các hiện tượng tiêu cực. Với người dân, dù có nhu cầu lấy hóa đơn hay không thì đây vẫn là quyền lợi của mỗi người. Với cách thực hiện nhanh chóng, đơn giản, tiện lợi, chính xác như hiện nay, khách hàng đã không còn tâm lý e ngại như trước.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuat-hoa-don-dien-tu-xang-dau-theo-tung-lan-ban-co-kip-ve-dich-662023.html