Xuất khẩu 2014: Thời cơ đi cùng thách thức

Đã qua 2/3 chặng đường của tháng đầu năm 2014, nhưng các chuyên gia, các nhà quản lý vẫn tiếp tục nêu câu hỏi: xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng hay giảm? Cơ hội nào, thách thức nào đang chờ ở phía trước? Bài học rút ra từ việc xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su, cá tra... trong năm 2013. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện không ít tín hiệu khả quan hơn cho xuất khẩu của năm nay.

Dệt may- mặt hàng xuất khẩu ưu thế của Việt Nam

1. Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ phục hồi tốt hơn, qua đó sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, không ít chuyên gia cho rằng xuất khẩu năm 2014 có thể tăng tới 20%. Nếu vậy, sẽ cao hơn gấp đôi so với mục tiêu tăng 10% mà Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 Quốc hội khóa XIII đề ra.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, đó là những dự báo "quá lạc quan”, nhưng cũng không phủ nhận rằng tiền đề tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 là có. Chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực cao của các bộ, ngành trong triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu… trong suốt thời gian qua đã bắt đầu ngấm và dần phát huy tác dụng. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường ngoại hối ổn định đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý là những thông điệp được phát đi từ Ngân hàng nhà nước: sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ duy trì mặt bằng lãi suất huy động như hiện nay và giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thêm từ 1 - 2% khi có điều kiện, tỷ giá ổn định trong biên độ 2%. Những thông điệp này đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tăng cường tìm kiếm các đầu mối xuất khẩu.

Cùng đó, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP); Hiệp định FTA Việt Nam - EU... sẽ kết thúc đàm phán và có hiệu lực, góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, TPP được dự báo sẽ mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày... Theo ông Calvin Nguyen (Ngân hàng ANZ Việt Nam), thì chí ít ngành dệt may năm nay cũng sẽ xuất khẩu tốt. Theo đó, nhóm ngành dệt may hiện chiếm khoảng 15% danh mục tín dụng của ANZ Việt Nam và ANZ sẽ tiếp tục phát triển danh mục này trong năm 2014.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 81,2 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 26,8% so với năm 2012 và chiếm 61,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khi tăng cường xuất khẩu thì chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần... đi kiện, để vượt qua những rào cản bảo hộ hàng nội địa của nhiều quốc gia mà hàng hóa Việt Nam đang nắm thị phần không nhỏ. Cùng đó là phải việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan để vừa hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu, thông lệ quốc tế.

2. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 263,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 15,4%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5,4% và xuất siêu khoảng 862 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (8%). Về vấn đề thành quả xuất khẩu chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Công thương cho rằng, trong khi doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu (xuất khẩu tăng 3,5% năm 2013) thì sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu cả nước nói chung. Nhưng ông Hoàng cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu để gia công xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa còn chưa cao, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh về lao động của Việt Nam, trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường chưa nhiều.

Dự báo tình hình xuất khẩu năm 2014, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, dù có những tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu. Ông Hoàng cũng lưu ý các doanh nghiệp, trong năm 2014 cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới, các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới.

"Điểm cuối cùng, nhưng hết sức quan trọng là tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

NGỌC QUANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75243&menu=1434&style=1