Xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục sáng

Với kim ngạch 178,9 tỉ USD, tăng 15,4% so với 9 tháng 2017, XK duy trì tốc độ tăng cao. Mục tiêu XK 2018 tăng 10%, tương ứng là 236,6 tỉ USD, với 3/4 quỹ thời gian đã đạt được 4/5 mục tiêu. Có 27 mặt hàng XK đạt từ 1 tỉ USD trở lên, thêm 3 mặt hàng so với 9 tháng đầu năm 2017, là: Hóa chất - dây điện & dây cáp điện - đồ chơi, dụng cụ thể thao.

XK là yếu tố chủ đạo tạo ra cán cân thương mại tích cực. 9 tháng đầu năm xuất siêu 5,4 tỉ USD, khi cả năm 2017 con số đó là 2,6 tỉ USD. Đáng nức lòng.

Chỉ cần đà như quý 3, việc hoàn thành mục tiêu XK và kìm giữ tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3% năm 2018, là sáng sủa. XK là nòng cột kinh tế, nên đã dự báo sớm cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 đều cán đích, trong đó 8 chỉ tiêu sẽ vượt. XK 6 tháng đã sáng, 9 tháng tiếp tục sáng.

Nhóm nông, lâm, thủy sản góp 6 mặt hàng đạt từ 1 tỉ USD trở lên đạt từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó nổi bật là:

XK rau quả đã đạt trên 3 tỉ USD. Đó là thành quả tổng hợp từ việc trồng trọt cho đến XK, sự đồng lòng gồng sức của 4 nhà: Nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh. Việc XK rau quả sang các thị trường chính đều tăng khá, số 1 là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ và các đối tác ta có cam kết FTA. Với đà XK bình quân 340 triệu USD/tháng cùng diễn biến của thị trường, năm 2018 XK rau quả đạt kỳ vọng 4 tỉ USD không phải là xa vời, dĩ nhiên là không có thiên tai khắc nghiệt, đỏng đảnh của thị trường.

XK gạo vụt lên trở thành điểm sáng, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam vượt gạo Thái Lan. Sự kiện đó đáng ghi nhận vì trong điều kiện giá gạo của nhiều “ông lớn” trong làng XK thế giới đều giảm chỉ có gạo Việt Nam “lội ngược dòng” thành công, đã giúp cho lượng gạo XK 9 tháng chỉ tăng 7,6% nhưng kim ngạch tăng tới 22,1%. Nguyên nhân tăng trưởng của mặt hàng này có phần do nhu cầu thị trường tăng, nhưng yếu tố bền vững là sự chuyển dịch mang tính đột phá về cơ cấu giống lúa từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao, trong đó loại gạo thơm (Jasmine) đã lên ngôi, có lúc chiếm trên 30% lượng gạo XK. Với Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, giản hóa điều kiện XK gạo cởi mở, hợp lý cùng sự điều hành linh hoạt, hy vọng 3 tháng còn lại XK gạo tiếp tục tỏa sáng.

Nhóm công nghiệp chế biến đóng góp tới 19 mặt hàng trong TOP từ 1 tỉ USD, với vai trò chủ công của 4 “cao thủ” trên 10 tỉ USD là điện thoại - dệt may - giày dép - máy móc phụ tùng. Dệt may tăng 17,1% là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Hóa chất “lính mới” trong Top 1 tỉ USD, song tỉ lệ tăng thì ấn tượng tới 40,5%; dây cáp điện cũng vậy, tăng 35,4%. Mặt hàng chất dẻo nguyên liệu đang có sức dướn tăng tới 86%, hy vọng ngày mặt hàng này gia nhập Top 1 tỉ USD trở lên, chắc không xa.

Lần đầu tiên Khối doanh nghiệp trong nước tăng (17,5%) cao hơn mức tăng của Khối FDI (14,6%) và cao hơn mức tăng chung (15,4%). Phải chăng là sức mới của Khối doanh nghiệp nội địa - vốn bị coi là chậm chân so với đồng nghiệp từ đến nước ngoài.

Đó là hệ quả logic từ hai trụ cột, và chính XK lại góp phần bồi trúc cho hai trụ cột đó. Trong 9 tháng đầu năm 2018, khu vực nông nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Điều này có được nhờ sự chuyển đổi cơ cấu ngành đã có hiệu quả. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm ổn định cùng thị trường XK được mở rộng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 9 tháng ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước đạt mức tăng trưởng cao nhất kể cũng từ 2012 trở lại đây. Trong đó “Chế biến chế tạo” là điểm sáng, tăng 12,9% - tốc độ tăng cũng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Việc XK sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chẳng những chiếm tỉ trọng áp đảo, tới 82,5% tổng kim ngạch XK cùng mức tăng của nhóm sản phẩm này cũng cao hơn mức tăng trưởng XK nói chung (18,3% so với 15,4%), thúc đẩy Ngành công nghiệp tiến tới.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/xuat-khau-9-thang-dau-nam-2018-tiep-tuc-sang-634100.ldo