Xuất khẩu cá tra 'đóng băng' sau khi tăng trưởng nóng

Mặc dù 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN tăng mạnh, tuy nhiên, các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc 'dựng rào' khiến cá tra 'đóng băng'.

Trong bối cảnh hệ thống rào cản thương mại ở các thị trường trọng điểm bị dựng lên, cá tra Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường ASEAN.

Hệ thống rào cản thương mại đang được dựng lên khá nhiều với cá tra Việt, điển hình là từ thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc.

Hệ thống rào cản thương mại đang được dựng lên khá nhiều với cá tra Việt, điển hình là từ thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc.

Thái Lan “khoái” cá tra Việt

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 87,3 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Đưa ASEAN trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng cho cá tra Việt Nam.

Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN với tổng giá trị xuất khẩu đạt 32,5 triệu USD, tăng 9,2% so với 5 tháng đầu năm 2018. Tính riêng tháng 5, sản lượng xuất khẩu đã đạt 6,5 triệu USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP đánh giá, nửa đầu năm nay, Thái Lan tiếp tục tăng sản lượng nhập khẩu thủy sản, đặc biệt nhập khẩu cá thịt trắng tăng trưởng tốt. Trong đó, mặt hàng cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất, từ 40-90% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của nước này.

Cùng với đó, Phillippines và Malaysia được đánh giá triển vọng. Theo đó, xuất khẩu cá tra sang Philippines tính đến hết tháng 5-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 19 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường lớn và duy nhất cung cấp cá thịt trắng, trong đó có cá tra cho thị trường này.

Malaysia cũng tăng nhập cá tra Việt Nam, giá trị cá tra xuất sang thị trường này tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, trong thời gian tới, còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu sang Malaysia.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc xuất khẩu cá tra sang ASEAN tiếp tục tăng trưởng tốt, có tác động không nhỏ từ các hiệp định thương mại tự do có liên quan đến khu vực, nhất là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Hiện nay, theo quy định của ATIGA, ACFTA (Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc) và AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc), thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh đang ở mức 0%.

Nhu cầu nhập khẩu cá tra ở nhiều nước trong ASEAN lại đang tăng hoặc ổn định. Bởi vậy, thị trường ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với cá tra Việt Nam và nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Trong năm 2018, ASEAN đã trở thành thị trường lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU.

Xu hướng yếu dần sau một năm tăng trưởng nóng

Tuy nhiên, trái ngược với những tín hiệu tích cực tại thị trường ASEAN, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, các hệ thống rào cản thương mại đang được dựng lên khá nhiều với cá tra Việt, điển hình là từ thị trường lớn Mỹ.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, cho biết: “Tiêu thụ cá tra tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đang giảm sâu do thuế chống phá giá hoặc các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu chính ngạch dẫn đến tình trạng ứ đọng nguồn cung”’.

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết đều có vùng nuôi riêng hoặc liên kết với các hợp tác xã thì những doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ dân nuôi bên ngoài đang có cá tra đến đợt thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn do giá cá đã rớt xuống chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đang kêu bán với giá chỉ 18.000 - 18.500 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa chịu mua.

Trên thực tế, từ cuối quý I/2019 giá cá tra bắt đầu giảm mạnh và từ đầu tháng 7/2019 đến nay, giá cá tra thương phẩm và cá giống ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây và nguồn cung đang tăng cao vượt cầu. Lượng cá bị “đóng băng” không thể xuất khẩu, khiến lượng cá tồn đọng đang gia tăng.

Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Myanmar và cả Trung Quốc đã bắt đầu nuôi cá tra. Dự kiến trong năm 2019, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu của những nước này đạt khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, tương đương với Việt Nam.

Hiệp hội Cá tra kiến nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn để dòng hàng xuất khẩu cá tra khởi động trở lại.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương khảo sát lại diện tích thả nuôi. “Các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài phải cùng doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với các đối tác để có phương án gỡ vướng phù hợp”, ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ một số vướng mắc nhưng chỉ mới trên lý thuyết, thực tế xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn chưa thông. Cùng với đó, các ngân hàng nên kéo dài hạn mức tín dụng trung hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu mua hết lượng cá tồn trong dân.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xuat-khau-ca-tra-chua-the-voi-mung-154140.html