Xuất khẩu của doanh nghiệp nội và FDI đều giảm mạnh trong tháng Một

Không chỉ khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước mà cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu đều giảm ở mức 2 con số trong tháng 1/2020.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu của cả nước giảm mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2020, trong đó khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước và khu vực FDI đều giảm ở mức 2 con số.

Các nhóm chủ lực đều đi xuống

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 1/2020, xuất khẩu của cả nước ước đạt 19 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng 12/2019 và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt khoảng 6,3 tỷ USD, giảm 11,4% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,68 tỷ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm hàng chủ lực, đơn cử xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7% và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, xuất khẩu giảm là do kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán đều rơi vào tháng Một.

Thực tế, số ngày làm việc chỉ từ 17-18 ngày, thấp hơn so với 22 ngày làm việc của tháng cùng kỳ của năm 2019.

Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản tháng đầu tiên của năm 2020 cũng giảm tới 21,9% so với tháng 12/2019 và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2019 khi đem về khoảng 1,85 tỷ USD.

Thống kê trong nhóm hàng này thì càphê giảm 30,6% về lượng và 30,3% về trị giá; thủy sản ước đạt 550 triệu USD, giảm 25,2% về giá trị còn gạo ước đạt 350 ngàn tấn, kim ngạch 170 triệu USD, giảm 18,7% về lượng và giảm 11,6% về trị giá.

Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu) đi xuống đã tác động mạnh đến kim ngạch chung của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng đầu tiên của năm 2020, nhóm này chỉ đem về 15,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2019:

Chuyển hướng xuất khẩu

Cùng với thời gian nghỉ Tết kéo dài, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội rau quả Việt Nam, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm này.

“Các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp,” đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết hoạt động xuất nhập khẩu sang Trung Quốc thời gian gần đây chịu tác động xấu do nhu cầu tiêu thụ giảm.

Đơn cử từ chuỗi Starbucks ở Trung Quốc tạm đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về càphê giảm. Ngoài ra, một số chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán cũng tác động đến nhu cầu tiêu thụ càphê trắng. Hoặc nhiều nhà hàng khác của Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Hơn nữa, do chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ (đến ngày 9/2 theo thông tin từ phía Trung Quốc) nên việc trao đổi hàng hóa của cư dân gián đoạn, tác động đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam…

Ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường bộ giữa hai nước (tạm gọi là thương mại biên giới) có giá trị 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu qua đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, riêng xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD.

Do vậy, để giảm thiểu tác động trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị nhà nông cần thay đổi tiến độ sản xuất cũng như tổ chức kết nối chuỗi cung ứng với một số vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An và đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc.

Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp thương mại lớn tìm những giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Khánh khẳng định Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, đồng thời đề nghị một số doanh nghiệp logicstic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường.

“Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới,” lãnh đạo Bộ Công Thương nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-cua-doanh-nghiep-noi-va-fdi-deu-giam-manh-trong-thang-mot/621598.vnp