Xuất khẩu dăm gỗ bắt đầu khó khăn

Dịch Covid-19 đã khiến cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản bị ảnh hưởng. 2 tháng đầu năm, thị trường dăm gỗ xuất khẩu liên tục có biến động.

Sức mua chậm, giá giảm liên tục

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 6 doanh nghiệp (DN) chuyên chế biến dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Mỗi tháng, lượng dăm gỗ cung ứng cho xuất khẩu đạt khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc tạm dừng các hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch Covid-19, thị trường dăm gỗ xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu chững lại, sức mua yếu. Theo số liệu của Sở Công Thương, 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh chỉ chế biến được hơn 32.000 tấn vỏ bào, dăm gỗ. Đại diện Công ty TNHH dăm gỗ Đại Thắng cho biết, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, lượng dăm gỗ xuất khẩu đã bị giảm. Mặt hàng này nhập khẩu vào Trung Quốc bằng đường biển, thị trường nước này vẫn thu mua bình thường, nhưng vì các DN ở Trung Quốc ngưng trệ sản xuất nên nhu cầu nguyên liệu không cao. Đã vậy, thị trường thứ 2 của các DN Khánh Hòa là Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự báo xuất khẩu dăm gỗ sẽ còn gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.

Dăm gỗ xuất khẩu tại cảng Cam Ranh.

Được biết, do thị trường Trung Quốc giảm nhập nên giá dăm gỗ bị ảnh hưởng rất mạnh. Từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần biến động giá theo hướng giảm. Hiện nay, mỗi tấn dăm gỗ giảm khoảng 15 USD. Giá bán tại cảng khoảng hơn 120 USD/tấn, chưa bao gồm thuế xuất khẩu (trong khi trước dịch là hơn 130 USD/tấn). Ông Lưu Văn Chánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cát Phú giải thích, DN ở Khánh Hòa xuất khẩu dăm gỗ chủ yếu vào thị trường Nhật Bản nên những tháng đầu năm chưa bị ảnh hưởng nhiều. Đến khi thị trường Trung Quốc ngưng trệ, các DN xuất khẩu vào thị trường này bắt đầu tìm cách đưa hàng đi Nhật và các thị trường khác thì bắt đầu có sự cạnh tranh về giá, khiến giá liên tục lao dốc. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian để các tàu nhập cảnh và xuất cảnh bị chậm lại để làm công tác kiểm dịch nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khối lượng hàng lưu thông.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Tuy việc xuất khẩu đang gặp khó, nhưng với những DN có kinh nghiệm trong mặt hàng dăm gỗ thì họ có đủ khả năng để vượt qua biến cố này. Bởi nguồn nguyên liệu để chế biến trực tiếp chủ yếu là rừng trồng tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, phần còn lại ở các tỉnh lân cận, nên nếu thị trường tiêu thụ kém thì người dân sẽ tạm dừng thu hoạch keo đến khi hết dịch. Ông Cao Văn Liễu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH dăm gỗ Đại Hưng cho biết: “Nếu giá thấp quá, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân dừng thu hoạch rừng trồng, đợi giá lên. Cây keo không như cây mía, để lại thêm một năm cũng được, cây vẫn tăng trưởng không ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu giảm nhiều lần nên chúng tôi đã khuyến cáo người dân chậm thu hoạch keo, có thể kéo dài thêm vài tháng nữa đợi giá lên. Định hướng của ngành là không bán lúa non vì hiệu quả kinh tế thấp, khuyến khích người dân giữ rừng cây gỗ lớn để có giá trị thương phẩm cao hơn”.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu dăm gỗ cũng xem đây là cơ hội để tái cơ cấu, củng cố lại nguồn lực để đón nhận những diễn biến của thị trường. Theo kinh nghiệm từ dịch SARS, thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể trong 6 tháng đầu năm. Thời gian này đủ cho ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ chuyển hướng, tạo ra các sản phẩm như ván nhân tạo, viên nén… mang lại giá trị cao hơn, phát triển bền vững vốn rừng. Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để giúp các DN xuất khẩu dăm gỗ, các ban, ngành của tỉnh đã có nhiều sự trợ giúp như: xem xét giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi suất vay… Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường để có nhiều sự lựa chọn. Lâu nay, đầu ra của mặt hàng dăm gỗ hầu như chỉ trông vào thị trường Trung Quốc, một ít xuất sang thị trường các nước: Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc bị giảm mạnh. Vì vậy, việc tìm kiếm các thị trường thay thế là hết sức cần thiết. Ngoài ra, sở cũng tạo điều kiện hỗ trợ các DN đầu tư dây chuyền, chuyển hướng chế biến sâu các sản phẩm thay vì xuất khẩu dăm thô như hiện nay”.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202003/xuat-khau-dam-go-bat-dau-kho-khan-8153490/