Xuất khẩu dệt may ngày càng khó

Tồn kho ở các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm dần là tín hiệu cho thấy thị trường của ngành dệt may Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024. Mặc dù vậy, dệt may lại đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển bền vững, liệu đây có phải là mối lo rất lớn trong thời gian tới?

Theo báo cáo của VinaCapital, đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại, khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các nhà bán lẻ ở Mỹ sẽ giảm 5 - 7% so với năm trước đó. Khách hàng quốc tế đặt hàng may mặc và dày dép từ Việt Nam đã thông báo cho các đơn vị sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay. Các đơn vị sản xuất cho biết khách hàng lại đặt đơn nhỏ hoặc đơn giao gấp nhiều hơn, thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.

Đơn hàng dần trở lại

Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, điều này kỳ vọng sẽ cải thiện nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 dồi dào hơn 2023.

Đơn hàng dần trở lại nhưng ngành dệt may lại đang đứng trước thách thức về phát triển bền vững.

Theo bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc LNK, hiện nay doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý I/2024, dự báo năm nay tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Ngay cả trong dịch COVID-19, nhu cầu của khách hàng vẫn có, chỉ khó khăn ở khâu sản xuất, nguồn cung. Còn ở năm 2023, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhu cầu giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, bà Nhung cũng lo lắng, hoài nghi về tín hiệu phục hồi khi tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động. “Bình thường tháng 9 năm cũ chúng tôi đã bắt đầu nhận đơn cho năm mới, nhưng năm nay tháng 11/2023 mới bắt đầu chốt đơn. Chưa biết khi nào mới hết giai đoạn khó nhất, chỉ hy vọng 2024 sẽ tốt hơn".

Theo bà Nhung, tín hiệu của các nhà nhập khẩu đang ấm dần lên, EU có kế hoạch dịch chuyển thị trường về Việt Nam, nhưng do còn nhiều yếu tố tác động bên ngoài nên đơn hàng chưa về nhiều.

Trong khi đó, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Trong đó, tại thị trường Mỹ, với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước… nên các đơn hàng có khả năng sẽ quay lại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết thời gian gần đây nhận được các đơn hàng nhiều hơn, nhưng đơn giá thấp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cân nhắc việc nhận đơn hàng lớn kéo dài từ 3-6 tháng nhưng giá trị thấp, thay vào đó nhận đơn hàng ngắn ngày nhưng có giá tốt hơn để nâng cao hiệu quả.

Ngoài tình hình đơn hàng có biến động ở các thị trường, những thách thức với dệt may trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh, yêu cầu tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…

Thách thức khi người dùng ưu tiên sử dụng và tái chế quần áo cũ

Điều này đòi hỏi trong giai đoạn tới, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững như xây dựng nhà máy tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, vải có hàm lượng tái chế. Hiện nay, các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, khái niệm trách nhiệm phát triển bền vững được mở rộng tới nhiều nhà sản xuất, làm sao phải gắn với bảo vệ môi trường. Đây sẽ là điều kiện để khách hàng nhập hàng.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, bắt đầu từ tháng 10/2023, Chính phủ Pháp đã trao những khoản tiền viện trợ để khuyến khích người dân sửa chữa giày dép và quần áo hỏng để tiếp tục sử dụng thay vì bỏ đi và mua đồ mới. Theo đó, người dân Pháp sẽ được nhận 7 Euro để sửa giày và từ 10 đến 25 Euro để sửa chữa quần áo. Số tiền này lấy từ quỹ 154 triệu Euro, được dành cho chương trình này giai đoạn 2023 – 2028.

Theo thống kê, mỗi năm nước Pháp có khoảng 700.000 tấn quần áo bị vứt bỏ, 2/3 trong số đó được đưa đến các bãi rác. Theo ước tính, thị trường quần áo, giày dép và đồ vải gia dụng của Pháp trong năm 2022 là 3,3 tỷ Euro.

Việc khuyến khích sửa chữa thay vì mua mới có thể giúp Pháp giảm lượng rác thải thời trang, vốn là một trong những vấn đề đau đầu hiện tại. Được mô phỏng theo chương trình hỗ trợ sửa chữa thiết bị gia dụng, khoản viện trợ này là một phần của cuộc cải cách lớn đối với ngành dệt may do Chính phủ Pháp khởi xướng từ cuối năm 2022. Mục tiêu của chương trình bao gồm việc buộc các thương hiệu phải truy xuất nguồn gốc nhiều hơn và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức chuyên tái sử dụng và tái chế quần áo.

Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Quản lý Chương trình nước bền vững (WWF – Việt Nam), nhận định, ngành thời trang đã có lượng nước, không khí và chất thải rắn khổng lồ. Theo đó, dệt may là 1 trong 10 ngành cần phải ưu tiên phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Vừa qua, Châu Âu quy định cấm nhãn hàng tiêu hủy quần áo thừa trong kho. Đồng thời, trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều nền tảng triển khai dịch vụ cho thuê lại quần áo thay vì sở hữu. Đây sẽ là thách thức với dệt may Việt Nam.

Mục tiêu xuyên suốt năm 2024 của ngành dệt may Việt Nam là hướng đến mục tiêu toàn ngành xuất khẩu 44 tỷ USD, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững và thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thách…

Tuy vậy, bối cảnh mới đòi hỏi ngành dệt may cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang, chủ động xây dựng chuỗi chặt chẽ với nhà sản xuất sợi, nhuộm, xây dựng thương hiệu toàn cầu theo tinh thần Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-det-may-ngay-cang-kho-1097836.html