Xuất khẩu dịch vụ xây dựng Việt Nam ra thế giới

Nhằm góp phần trực tiếp đáp ứng nhu cầu chất lượng về nguồn nhân lực, qua đó thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược 'Nhân đôi lợi nhuận và Quốc tế hóa' (DPI - Double Profit Internationalization); đồng thời, đóng góp trực tiếp vào sự thành công chiến lược Xuất khẩu dịch vụ xây dựng Việt Nam ra thế giới… Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa chính thức khởi động đưa dự án 'Hoa Binh E-Learning', một trong những 'công cụ' hiện thực hóa chiến lược của Hòa Bình.

Để hiểu rõ hơn về dự án “Hoa Binh E-Learning”, cũng như mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Hòa Bình trong việc “Hợp chuẩn Quốc tế - Định vị thương hiệu”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về vấn đề này.

Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ về chương trình E-Learning.

P/V: Hòa Bình hiện nay đang là một Nhà thầu hàng đầu về xây dựng. Giữa cuộc cạnh tranh giữa rất nhiều Nhà thầu khác, để duy trì vị thế của Tập đoàn, ông có thể cho tôi biết chiến lược tổng thể và mục tiêu trong thời gian 5 năm sắp tới của Hòa Bình là gì không?

Ông Lê Viết Hải: Trong giai đoạn 10 năm 2015 – 2024, nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược của Hòa Bình là “Hợp chuẩn Quốc tế - Định vị thương hiệu”. Chúng tôi đã triển khai chiến lược này trong 4 năm vừa qua và có thể nói, trong thời gian 4 năm qua, chúng tôi đã đi một chặng đường khá gian nan nhưng cũng có những kết quả đáng khích lệ.

Ngày 24/3/2019 vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tổ chức Lễ khởi động đưa dự án “Hoa Binh E-Learning” chính thức đi vào hoạt động.

E-Learning là chương trình đào tạo, học tập trực tuyến ứng dụng công nghệ truyền thông đa chức năng (multimedia) có nhiều nội dung đa dạng, phong phú với kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng mềm một cách đầy đủ ở mọi lúc mọi nơi, phù hợp với điều kiện hoạt động rộng khắp trên 40 tỉnh thành trong cả nước và trên nhiều quốc gia khác trong tương lai của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Việc thực hiện thành công Chương trình E-Learning là góp phần trực tiếp đáp ứng nhu cầu chất lượng về nguồn nhân lực để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược “Nhân đôi lợi nhuận và Quốc tế hóa” (DPI – Double Profit Internationalization), thiết thực hoàn thành những chiến lược chung giai đoạn 2015 - 2024 “Hợp chuẩn quốc tế - Định vị thương hiệu” của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đóng góp trực tiếp vào sự thành công cho chiến lược Xuất khẩu dịch vụ xây dựng Việt Nam ra thế giới.

Trong chặng đường còn lại, chúng tôi quyết tâm đưa thương hiệu Hòa Bình trở thành một thương hiệu xây dựng có tầm vóc quốc tế, đưa lá cờ Việt Nam ra nhiều quốc gia trên thế giới và thực hiện bước đầu hoài bão của Hòa Bình là nâng cao giá trị thương hiệu Việt, đem lại niềm tự hào cho ngành xây dựng Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quốc gia qua việc đưa xây dựng trở thành 1 ngành kinh tế mũi nhọn.

P/V: Liệu khi công bố toàn thể chiến lược của Hòa Bình một cách công khai như vậy, ông có bao giờ e ngại những đối thủ sẽ sao chép những chiến lược đó, gây trở ngại cho sức cạnh tranh của Hòa Bình?

Ông Lê Viết Hải: Điều quan tâm lớn nhất của chúng tôi là thực hiện cho được hoài bão của Tập đoàn – đóng góp cho việc nâng cao giá trị thương hiệu Việt, thực hiện hoài bão đưa ngành xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của kinh tế quốc gia.

Chúng tôi đã nhiều năm kêu gọi nhiều Tập đoàn, nhiều Công ty trong lãnh vực Xây dựng cùng ra nước ngoài với mình. Không phải chỉ có những Nhà thầu phụ, những Nhà cung cấp vật liệu, những Nhà tư vấn, quản lý dự án hay những Công ty tài chính ngân hàng… mà chúng tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với các thành viên trong Hiệp hội Xây dựng là chúng ta cần phải cùng bắt tay với nhau đi ra nước ngoài. Chúng ta đi bằng một hạm đội thì mới có thể vượt qua những thử thách, sóng gió ở thị trường quốc tế.

Chúng tôi không ngại chia sẻ những tầm nhìn chiến lược này với những đối thủ cạnh tranh của mình bởi chúng ta cần phải thúc đẩy sự phát triển của xây dựng Việt Nam không chỉ bằng một Tập đoàn Xây dựng mà bằng nhiều Tập đoàn Xây dựng. Như vậy mới tạo được những nguồn lực hùng mạnh, thực hiện được hoài bão đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

P/V: Hệ thống E-learning có lẽ là một trong những công cụ quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược vừa rồi. Vậy, ông có thể tóm tắt và giới thiệu sơ lược về dự án này được không? Mong muốn của ông trong tương lai hệ thống này sẽ giúp ích gì cho việc triển khai những chiến lược của Tập đoàn?

Ông Lê Viết Hải: Đã từ lâu chúng tôi ấp ủ ước mơ có một công cụ giúp cho toàn thể cán bộ, công nhân viên học tập hiệu quả nhất và trong thời gian 8 tháng vừa qua, chúng tôi đã quyết tâm triển khai hệ thống Hòa Bình E-learning với sự hỗ trợ của tư vấn là Công ty Trí Nam. Đến nay, hệ thống này đã được hình thành với một số bài học do chính Hòa Bình xây dựng, bên cạnh đó, chúng tôi mua những bài học được phổ biến, có tính chất quốc tế để đào tao kĩ năng mềm, những chuyên môn nghiệp vụ thông thường.

Chúng tôi sẽ dần dần đưa những bài học chuyên sâu, chuyên ngành của Hòa Bình, đúc kết những kinh nghiệm, kiến thức của 32 năm trong ngành để chuyển giao tri thức cho toàn thể cán bộ, công nhân viên. Chúng tôi tin những tri thức đó sẽ giúp cho nguồn nhân lực của Hòa Bình nâng lên đẳng cấp mới, đạt được tiêu chuẩn quốc tế để chúng ta có thể hội nhập một cách thành công.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Tuấn Minh (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xuat-khau-dich-vu-xay-dung-viet-nam-ra-the-gioi-91346.html