Xuất khẩu gạo dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm

Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức nhưng dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, nếu như bình quân 4 tháng đầu năm mỗi tháng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo thì trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 800.000 tấn với giá trị đạt 386 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,86 triệu tấn và 1,39 tỉ USD, tăng 10,3% về khối lượng.

Xuất khẩu gạo trong tháng 5/2022 tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của 4 tháng đầu năm. Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.

Từ biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.

6 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo tăng mạnh.

Xuất khẩu gạo có thể lạc quan hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang ở mức thấp, cần nhập thêm cũng là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam, dù thị trường này đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ Ấn Độ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Xuất khẩu gạo đang rất sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc bởi Hải quan Trung Quốc đang áp dụng ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn trong quy định xuất nhập khẩu.

Khó khăn lớn là hiện nay là thị trường tầm trung nhưng khá tiềm năng là Châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn dù chất lượng gạo Ấn Độ thua xa chất lượng gạo Việt.

Nếu xét về cạnh tranh giá, gạo Việt Nam khó so được với gạo Ấn Độ, vì hiện tại, đến 80% sản lượng gạo Việt Nam đã chuyển từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đã tăng cao trong thời gian qua.

Chi phí cảng biển, giá cước tàu biển, chi phí thuê vỏ container... ở mức quá cao cũng đang làm gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD cho mỗi container 20 feet. Tình trạng thiếu container rỗng vẫn còn. Điều này khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh. Nhiều đơn hàng bán CIF (là giá tại cửa khẩu của bên nhập, giá này đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu của bên nhập) có thể bị lỗ.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/xuat-khau-gao-du-bao-tang-manh-trong-6-thang-cuoi-nam/20220607091253156