Xuất khẩu gạo: Loay hoay xây dựng niềm tin trong lòng khách hàng

Để tận dụng hiệu quả quảng bá nhằm xây dựng thành công một thương hiệu gạo lớn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần gắn kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất ra các sản phẩm thực sự có chất lượng.

Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo tổ chức tại Việt Nam thu hút hơn 450 khách quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo tổ chức tại Việt Nam thu hút hơn 450 khách quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Gạo là một trong những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là trong nhóm nông lâm thủy sản.

Tuy vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc xuất khẩu bền vững, ngoài vấn đề tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp thì rất cần sự bắt tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Chật vật gạo hữu cơ đạt chuẩn

Theo ông Nguyễn Tiên Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Gạo Việt (OrgaGro), tại thị trường trong nước, hiện nay đang bị đánh đồng thương hiệu gạo hữu cơ. Cụ thể là nhiều doanh nghiệp lấy “mác” organic (hữu cơ) cho nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn vì không thể phân biệt được đâu là gạo hữu cơ tự phong và gạo hữu cơ đã được chứng nhận quốc tế.

Còn đối với xuất khẩu, mặc dù Việt Nam có thế mạnh nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó ông Sơn nhấn mạnh đến câu chuyện về giống lúa gạo.

Ông chia sẻ, hiện Việt Nam có rất nhiều giống gạo song chất lượng không ổn định. Nhiều đối tác nhập khẩu rất quan tâm đến gạo Jasmin nhưng chất lượng gạo Jasmin của Việt Nam hiện nay lại không bằng Thái Lan vì bị lai tạo nhiều.

Hơn nữa, Việt Nam không có giống nào đúng như Jasmin chuẩn thế giới nên khi dùng thử khách hàng sẽ thấy sự khác biệt rõ của hai loại gạo này về màu sắc, hình dáng và vì thế nhiều đối tác còn lưỡng lự.

Nói thêm về canh tác, đại diện OrgaGro cho hay, doanh nghiệp sản xuất gạo cần có các cánh đồng lớn để có thể áp dụng công nghệ, để chuẩn hóa chất lượng. Tuy nhiên, để có một cánh đồng lớn đối với một doanh nghiệp là rất khó, còn đi thuê chỗ này chỗ khác thì chất lượng không đồng nhất được.

Do đó, xuất khẩu gạo organic còn rất nhiều khó khăn bởi mới chỉ làm được một diện tích nhỏ, trong khi đối tác lại cần nhập khẩu số lượng lớn, khiến doanh nghiệp Việt khó đáp ứng được.

Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), để đạt sản lượng xuất khẩu bình quân trên 130.000 tấn gạo chất lượng, giá tốt như hiện nay, doanh nghiệp đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện bao tiêu sản phẩm từ cánh đồng lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Cần Thơ.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hiện sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu từ vùng nguyên liệu này bởi sản phẩm của Trung An tuân thủ quy định sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, do việc xây dựng vùng nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, xuất khẩu gạo đang tăng nên doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng từ đối tác.

Ông Bình cũng mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ về chính sách để ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi cơ chế cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng bao tiêu sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu phải gắn chặt chẽ với nông dân

Đối với Tập đoàn Tân Long là một doanh nghiệp có hơn 13 năm hoạt động trong các lĩnh vực hóa chất, nông sản, khoáng sản. Sau khi được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vào năm 2011, Tân Long đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo chính tại Việt Nam.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, phía doanh nghiệp đang định hướng sản xuất gạo Japonica bằng cách kết hợp chặt chẽ với nông dân để quản lý giống, sản xuất rồi thu mua, chế biến để sản phẩm cuối cùng đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Theo ông, hiện sản phẩm này được xuất khẩu rất tốt với giá ổn định, mang lại lợi nhuận cho người nông dân và doanh nghiệp. Trước mắt, đây là thương hiệu gạo Việt có tên tuổi, uy tín và có thể xây dựng thành thương hiệu gạo Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

"Để tận dụng hiệu quả quảng bá nhằm xây dựng thành công một thương hiệu gạo lớn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần gắn kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất ra các sản phẩm thực sự có chất lượng," ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long nói.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo ở châu Á và lợi ích mang lại cho Việt Nam, ông Martin Albani, chuyên gia tập đoàn Tài chính quốc tế nêu quan điểm, mục tiêu thương hiệu của khối khu vực tư nhân thì cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó.

Còn đối với khu vực công và nhà nước cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng hay là các khía cạnh khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy.

Tính đến hết quý 3/2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017 với giá trị xuất khẩu gạo 2,46 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ.

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan.

Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong vài chục năm trở lại đây, Việt Nam đã là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng niềm tin đối với gạo Việt Nam vẫn còn hạn chế, kể cả so với Thái Lan hay Campuchia.

Do đó, theo chuyên gia này, việc tổ chức Hội nghị quốc tế về Gạo tại Hà Nội cùng với việc mời các đối tác quốc tế đến Việt Nam tận mắt chứng kiến cách làm của nông dân, của những người xây dựng thương hiệu gạo Việt để từ đó có thể tạo niềm tin cho những người mua ở những nơi khác nhau là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gạo Việt Nam không chỉ bằng cạnh tranh giá thấp mà bằng chất lượng./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-gao-loay-hoay-xay-dung-niem-tin-trong-long-khach-hang/529235.vnp